Nơi phát tích “Rồng” triều Nguyễn

Tại làng Gia Miêu, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa ngày nay còn lưu giữ lại những vết tích gắn liền với triều đại phong kiến cuối cùng của nước Việt.

Gia Miêu là ngôi làng cổ thuộc huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Nơi đây được xác định là quê hương, phát tích của vương triều Nguyễn và được xem là đất Quý hương, huyện Tống Sơn là Quý huyện, được chính sử nhà Nguyễn ghi chép như Tống Phước Trị, Trương Phúc Gia, Tống Hữu Sĩ...

Tại Gia Miêu từ hàng trăm năm trước chính quyền nhà Nguyễn đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc như khu Lăng Trường Nguyên, Miếu Triệu Tường, Đình Gia Miêu. Đây là nơi chôn cất, thờ phụng tế lễ liên quan tới các vị Thủy tổ vương triều Nguyễn.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, các công trình kiến trúc nơi đây đã ít nhiều bị phá hủy, mai một. Tuy nhiên, dấu tích hình hài của một vùng địa linh thế “Rồng cuộn”, phát đế vương như vẫn còn nguyên vẹn linh thiêng. Từ núi Thiên Tôn nhìn xuống là cánh đồng thung lũng, được ôm trọn, che chắn bởi 2 hàng đồi núi thấp với thảm thực vật tốt tươi, bao quanh điểm xuyết là một vài gò đất che chắn trước mặt.

Sự kiện - Nơi phát tích “Rồng” triều Nguyễn

Lăng Triệu Tường được dựng trên một thế đất đẹp ở núi Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung.

Theo sử sách chép lại, tương truyền sau khi cha mất, anh trai bị bức hại, chúa Nguyễn Hoàng, con cả của Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim, đã tới xin lời khuyên từ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau đó, chúa Nguyễn Hoàng đã xin triều đình đi trấn thủ xứ Thuận Hóa để mưu đồ tạo dựng sự nghiệp riêng cho họ Nguyễn.

Năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng đã vượt Hoành Sơn về phương Nam lập nghiệp và lập nên xứ Đàng Trong, mở mang bờ cõi, đặt nền móng cho cơ nghiệp lẫy lừng của nhà Nguyễn với 9 đời chúa và 13 đời vua.

Theo ông Nguyễn Hữu Phán, Thủ từ Đình Gia Miêu, đã từng có 5 vị vua triều Nguyễn gồm các vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Thành Thái và Bảo Đại, đã về Gia Miêu và  tới dưới núi Thiên Tôn nơi có lăng miếu Triệu Tường để yết bái tổ tiên. Hiện tại, Lăng Trường Nguyên (Lăng Triệu Tường), trên bia đá tại khu lăng miếu này vẫn còn khắc bản dịch văn bia của vua Minh Mạng đề tựa:

“Đất lớn chúa thiêng

Sinh ra Triệu Tổ

Vun đắp cương thường

Nêu rạng thánh võ”.

Theo ghi nhận của người viết, trên núi Triệu Tường (Thiên Tôn) là Lăng Trường Nguyên hay còn gọi là Lăng Triệu Tường. Đây là nơi hợp táng ông Nguyễn Kim (tức Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế và Hoàng hậu triều Nguyễn - thân sinh và thân mẫu của chúa Tiên Nguyễn Hoàng).

Tại đây hiện có nhà bia và bia ở chân núi Triệu Tường thờ vọng, do yếu tố lịch sử nên hiện không xác định được vị trí chính xác của lăng mộ. Mỗi khi có tế lễ, họ tộc và các chức sắc nhà Nguyễn về đây, rồi hướng vào vùng núi Triệu Tường để vọng bái.

Xuôi về phía chân núi khoảng 1km là Miếu Triệu Tường, nằm ở cánh đồng tại thung lũng chân núi. Toàn bộ khu Miếu Triệu Tường được chia làm 3 khu vực chính là Nguyên miếu (miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng), khu vực bên đông là Trừng Quốc Công (miếu thờ cha Nguyễn Kim), khu vực bên tây trước đây là trại lính và nhà ở của các gia nhân coi lăng.

Sự kiện - Nơi phát tích “Rồng” triều Nguyễn (Hình 2).

Miếu Triệu Tường

Tiếp về phía đầu làng là vị trí Đình Gia Miêu, đây là công trình được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1806, cùng thời với việc xây dựng khu Lăng miếu Triệu Tường để tưởng nhớ về vùng đất Quý hương, phát tích của vương triều Nguyễn. Công trình Đình Gia Miêu với khối kiến trúc gỗ, được xây dựng trên mặt bằng có diện tích đồ sộ tới hơn 374m2, rất lớn ở thời điểm đó.

Ông Nguyễn Hữu Phán (70 tuổi) trông coi tại Đình làng Gia Miêu cho biết, Đình này thờ thành hoàng của làng là Nguyễn Công Duẩn, một công thần Bình ngô khai quốc thời Hậu Lê và cụ Nguyễn Kim là hậu duệ của ông. Đã có nhiều đoàn khoa học về tìm hiểu làm việc tại khu di tích. Theo đánh giá, ngôi đình có kết cấu kiến trúc độc đáo, với hình thái “nửa kiến trúc, nửa điêu khắc”, tạo thành mối quan hệ hài hòa nhưng không thiếu phần linh thiêng, uy nghi bao trùm toàn bộ công trình. Ngoài kiến trúc độc đáo, tại làng Gia Miêu còn lưu giữ các bản văn tự cổ xưa.

Sự kiện - Nơi phát tích “Rồng” triều Nguyễn (Hình 3).

Ông Phán bên một trụ cột lớn tại Đình Gia Miêu. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết, năm 2007 di tích lăng miếu Triệu Tường đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Theo đó, dự án có quy mô là 27,85ha. Hiện tại, giai đoạn 1 đã phục dựng được công trình Đình Gia Miêu và Miếu Triệu Tường với vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Giai đoạn 2 của dự án sẽ bảo tồn, tôn tạo khu Miếu Triệu Tường, khu lăng Trường Nguyên, khu Đền Ông và đường giao thông. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 453 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh Thanh Hóa, ngân sách huyện Hà Trung, vốn xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Sự kiện - Nơi phát tích “Rồng” triều Nguyễn (Hình 4).

Chi tiết hình rồng được chạm khắc tại Đình Gia Miêu. 

“Mục tiêu của dự án nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích một cách có hệ thống, trong đó đảm bảo các nguyên tắc về bảo tồn di tích gốc. Đồng thời, dự án cũng góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng khu di tích thành điểm đến hấp dẫn về du lịch tâm linh tại Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung”, ông Long cho biết.

Đình làng Gia Miêu là một công trình kiến trúc gỗ cổ, bề thế với nhiều mảng chạm khắc, trang trí cầu kỳ được thể hiện ở nóc, đầu các xà đai, kẻ bẩy, đường diềm... Ngoài ra, tại công trình không thể thiếu hình ảnh chạm khắc các linh vật như lân, rùa, phượng và... đặc biệt là Rồng, linh vật gắn liền với hình ảnh các bậc đế vương từ xa xưa.