Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục chưa phải quấy rối tình dục nơi công sở?

Sáng 16/9, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, một số hành vi như cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục… trong Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc không mới, chưa cấu thành hành vi quấy rối nếu bên bị quấy rối không phản ứng lại, hoặc không phản đối.

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang hoàn thiện Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc (thay thế bộ quy tắc ban hành năm 2015). Dự kiến, trong cuối năm nay, dự thảo sẽ được trình Uỷ ban quan hệ lao động quốc gia để xem xét thông qua.

Chia sẻ về bộ quy tắc trên tại hội thảo diễn ra sáng 16/9, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, bộ quy tắc phòng, chống QRTD tại nơi làm việc không phải mới, bộ quy tắc đầu tiên ban hành năm 2015 hiện vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Bộ Luật Lao động năm 2019, Nghị định 145/2020 đã sửa đổi, bổ sung, quy định rõ hơn về nội dung này, nên cần ban hành bộ quy tắc mới cho phù hợp quy định đã thay đổi và thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Theo ông Bình, QRTD tại nơi làm việc rất đặc thù, nên các văn bản pháp luật chỉ đưa khái niệm, trách nhiệm các bên, không quy định cụ thể hành vi, vì phạm vi rộng; không đồng nhất về môi trường làm việc giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Một hành vi có thể là QRTD tại nơi làm việc của doanh nghiệp này nhưng lại không đúng với doanh nghiệp khác, do môi trường làm việc và tiếp xúc khác nhau. Do đó, nếu quy định quá rõ dưới dạng văn bản pháp luật sẽ không khả thi, không thực hiện được; văn bản pháp luật chỉ quy định trách nhiệm các bên, trình tự, thủ tục khiếu nại, giải quyết, thẩm quyền xử lý hành vi QRTD.

“Khi xây dựng bộ quy tắc, nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng kiến nghị bộ ban hành dưới dạng văn bản luật để dễ áp dụng, nhưng vì các yếu tố trên; bộ phối hợp với tổ chức đại diện người lao động, doanh nghiệp để xây dựng quy tắc, nhằm hướng dẫn về kỹ thuật cho quá trình thực hiện”, ông Bình Nói.

Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục chưa phải quấy rối tình dục nơi công sở? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH)

Dự thảo Bộ quy tắc phòng, chống QRTD tại nơi làm việc có một số cập nhật theo quy định mới, điều chỉnh phù hợp thực tế và tiêu chuẩn lao động quốc tế, các hiệp định quốc tế Việt Nam tham gia. Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc xây dựng và triển khai áp dụng bộ quy tắc này đặc biệt ý nghĩa với doanh nghiệp, khi Việt Nam và các doanh nghiệp tham gia sâu vào các hiệp định thương mại quốc tế. Phòng chống QRTD tại nơi làm việc được xem là một trong các điều kiện để đối tác quốc tế mua hàng của doanh nghiệp Việt Nam, điều kiện để doanh nghiệp Việt tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Bộ quy tắc này khi đưa ra lấy ý kiến đã thu hút quan tâm của dư luận vì đây là chủ đề nhạy cảm; đã có nhiều ý kiến về một số hành vi QRTD tại nơi làm việc được đưa vào quy tắc, như cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục… Tuy nhiên, những hành vi này đã có trong bộ quy tắc ban hành năm 2015, không mới. Đặc biệt, một hành vi như vậy cũng chưa thể cấu thành hành vi quấy rối, mà cần các yếu tố khác như bên tiếp bị quấy rối phản ứng lại là không đồng thuận”, ông Bình nói.

Ông Hazelton Phillip (đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO tại Việt Nam) nêu quan điểm, hành vi QRTD tại nơi làm việc là mối nguy hại rất lớn, biến nơi làm việc thành nơi không còn an toàn và vi phạm quyền con người. Hiện, Việt Nam đã đưa các quy định về phòng chống QRTD tại nơi làm việc vào Bộ Luật Lao động, nghị định 145/2020; đây là các cam kết của Việt Nam về khung pháp lý xoá bỏ vấn đề này. “Bộ quy tắc phòng, chống QRTD tại nơi làm việc của Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng để thực hiện cam kết áp dụng tiêu chuẩn quốc tế của Việt Nam, bộ quy tắc nên đưa vào áp dụng càng sớm càng tốt”, ông Phillip nói.

Chuyên gia luật - Đoàn Xuân Trường cho rằng, doanh nghiệp kỳ vọng nhiều hơn vào các quy định về hành vi QRTD tại nơi làm việc về tính rõ ràng, cụ thể để áp dụng. Do đây là chủ đề nhạy cảm, cách hiểu cũng khác nhau, cũng không thể đưa ngôn ngữ đời thường vào quy định pháp luật. Do đó, nhà nước chỉ đưa ra các quy định có tính chất nguyên tắc, không theo hướng liệt kê, nên rất khó đưa ra hành vi để nhận diện cái nào là QRTD, "cái nào chỉ là trêu đùa thông thường". Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng khó nhận diện, khó xử lý. Tuy nhiên, bộ quy tắc này sẽ góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về QRTD tại nơi làm việc.

Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục chưa phải quấy rối tình dục nơi công sở? - Ảnh 2.

Mọi hành vi chưa thể xem là quấy rối tình dục tại nơi làm việc khi người bị quấy rối đồng ý.

Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc định nghĩa: QRTD tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác tại nơi làm việc mà không được đối phương mong muốn hoặc chấp nhận.

QRTD bằng hành vi mang tính thể chất gồm: Hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục, như: cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn; tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.

QRTD bằng lời nói, gồm: Lời nói trực tiếp, qua điện thoại, hoặc phương tiện điện tử có nội dung tính dục hoặc ngụ ý tình dục; có thể bao gồm những nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hoá và không được mong muốn; bằng những ngụ ý về tính dục như truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục, cơ thể của một người nào đó; những lời đề nghị, yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục.

QRTD phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử, như: nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, cử chỉ ngón tay…; phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, các tin nhắn liên quan tới tình dục.

Bộ quy tắc trên yêu cầu người sử dụng lao động phải xây dựng và công bố các hành vi được xem là quấy rối tình dục bị nghiêm cấm tại nơi làm việc, đưa vào nội quy đơn vị; xây dựng và áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa, phòng chống và xử lý. Bộ quy tắc cũng quy định trách nhiệm của các bên liên quan, như tổ chức đại diện người lao động, cơ quan quản lý nhà nước; các quy định về bí mật thông tin các cá nhân liên quan…