Nhật Bản tiếp tục chặn tầm nhìn ra núi Phú Sĩ

TP - Thành phố Phú Sĩ là nơi thứ hai áp dụng các biện pháp để ngăn chặn khách du lịch gây rối công cộng trong khi cố chụp ảnh núi Phú Sĩ.

Thành phố Phú Sĩ thuộc tỉnh Shizuoka có cây cầu “Giấc mơ Phú Sĩ” thẳng hàng với ngọn núi nổi tiếng cùng tên. Từ một số góc nhìn, các bậc thang của cây cầu trông giống như chúng dẫn thẳng lên đỉnh cao nhất của Nhật Bản.

Dù được người dân địa phương sử dụng trong nhiều năm mà không gặp vấn đề gì, lượng du khách đổ về đã gây rối loạn trong cộng đồng, với những lời phàn nàn về việc đỗ xe trái phép, xả rác, gây tiếng ồn lớn, thậm chí phóng uế ở nơi công cộng.

Đã xảy ra nhiều trường hợp những người khao khát “sống ảo” đứng giữa làn đường để chụp ảnh, và tài sản bị hư hại do xe cộ tông vào, bất chấp các biển báo bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau cảnh báo mọi người không đi ra đường.

Nhật Bản tiếp tục chặn tầm nhìn ra núi Phú Sĩ ảnh 1

Cầu “Giấc mơ Phú Sĩ” là một ví dụ của hiện tượng du lịch quá mức

Các sự cố đã buộc nhà chức trách phải dựng rào chắn để chặn những người có ý định chụp ảnh. Theo truyền thông địa phương, một hàng rào tạm thời dài 400m đã được dựng lên dọc theo đường, và hàng rào cố định cao 1,8m sẽ được lắp đặt vào tháng Bảy.

Du khách nước ngoài đã đổ xô đến Nhật Bản kể từ khi tất cả hạn chế do đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ. Năm ngoái, Nhật Bản đón hơn 25 triệu du khách và con số năm nay dự kiến vượt gần 32 triệu – mức kỷ lục từ năm 2019, theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản.

Sự gia tăng số lượng du khách đến thành phố Phú sĩ được cho là do những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

“Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái khi một người nước ngoài có ảnh hưởng đăng ảnh lên Instagram”, bà Miyu Toyama, công tác tại Phòng Du lịch Trao đổi của chính quyền thành phố, cho biết. “Hình ảnh này nhanh chóng lan rộng và hiện tại, hầu hết những người đến thăm cây cầu đều là người nước ngoài, chứ không phải người Nhật”.

Bà nói rằng hiện tượng này “đang trở thành một vấn đề”, bởi vì “nếu trời mưa hoặc núi Phú Sĩ bị mây che phủ, mọi người ở lại lâu hơn để đợi trời quang đãng, và điều đó nghĩa là một đám đông sẽ xuất hiện. Chúng tôi rất vui khi mọi người muốn đến thăm thành phố Phú Sĩ vì ở đây không có nhiều khách du lịch, nhưng chúng tôi cần tìm cách khắc phục các vấn đề”.

Một kế hoạch tương tự nhằm chặn tầm nhìn ra núi Phú Sĩ đã được Fujikawaguchiko áp dụng vào tháng trước, sau khi thị trấn này cũng phải đối mặt với tình trạng khách du lịch xả rác, băng qua làn đường, phớt lờ đèn giao thông và xâm phạm chỗ ở riêng.

Thị trấn trước đây đã thử các phương pháp khác – biển báo bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Thái và tiếng Hàn kêu gọi du khách không chạy ra giữa đường và sử dụng lối đi cho người đi bộ; thuê nhân viên bảo vệ để kiểm soát đám đông – nhưng, cũng như ở thành phố Phú Sĩ, chúng không đem lại hiệu quả.

Chỉ một tuần sau khi một tấm lưới đen được lắp đặt để ngăn chụp ảnh, một số khách du lịch háo hức muốn xem núi lửa bắt đầu chọc thủng nó.

Tháng Năm, một số quy định mới cũng được đưa ra cho những người leo núi Phú Sĩ. Chỉ 4.000 người leo núi được phép đi lên đường mòn mỗi ngày, với 3.000 chỗ được đặt trực tuyến với giá 2.000 Yen (327.000 VND) và 1.000 chỗ còn lại được đặt trực tiếp vào ngày leo núi.