Nhà Trắng nhắc tới nơi được ví như 'bà đỡ cho doanh nghiệp', tạo động lực thúc đẩy hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) được Nhà Trắng nhắc tới như một ví dụ điển hình của việc thúc đẩy hợp tác công nghệ Việt Nam - Mỹ.

Nhà Trắng nhắc tới nơi được ví như 'bà đỡ cho doanh nghiệp', tạo động lực thúc đẩy hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ - Ảnh 1.

Vừa qua, trên trang web chính thức của Nhà Trắng đã đăng tải Thông cáo báo chí chính thức về những sáng kiến mới của phía Mỹ nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển trong nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt thông cáo có đoạn nhấn mạnh về việc tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp 2 nước, thúc đẩy các doanh nghiệp 2 bên tiến hành các sáng kiến mới và mở rộng nhằm tăng cường thương mại giữa hai quốc gia. Trong đó, thông cáo báo chí nêu ra những ví dụ như hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo:

“ Microsoft và Trusting Social sẽ công bố thỏa thuận phát triển giải pháp tổng thể dựa trên Trí tuệ nhân tạo (AI) được thiết kế riêng cho Việt Nam và các thị trường mới nổi. NVIDIA cũng đang hợp tác với FPT, Viettel và VinGroup để triển khai AI trong các ngành như điện toán đám mây, ô tô và chăm sóc sức khỏe. Tập đoàn Meta và Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam (NIC Hòa Lạc) cũng công bố Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge – VIC), nhằm thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ”.

Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge – VIC) là chương trình hiện thực hóa tầm nhìn của Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN), do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức, nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức/cá nhân trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững.

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, chương trình năm 2023 tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm chuyển đổi số để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm thu hút đầu tư vào Việt Nam theo hướng bền vững và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ về chương trình, Ông Simon Milner – Phó Chủ tịch Tập đoàn Meta, phụ trách chính sách công khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Chúng tôi tự hào là đối tác chiến lược với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Chương trình là một phần cam kết của chúng tôi cho sự tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và định hướng đổi mới sáng tạo”.

Ngoài lĩnh vực công nghệ, thông cáo báo chí của Nhà Trắng cũng đề cập tới vấn đề nuôi dưỡng, nâng cao vấn đề giữa nguồn nhân lực của 2 nước thông qua giáo dục và đào tạo.

Cụ thể, với trương trình phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy tăng trưởng kỹ thuật số (Upskill Vietnam and Foster Digital Growth), phía Mỹ sẽ giúp Việt Nam khai thác tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số để trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng liên tục của đất nước.

"Làm việc với Quốc hội, USAID (Cơ quan phát triển Quốc tế của Mỹ) sẽ cung cấp khoản đầu tư ban đầu trị giá 12,75 triệu USD. Chương trình sẽ tham gia vào: (1) dự án Hỗ trợ Chính sách Giáo dục Đại học kéo dài 5 năm với Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) nhằm hiện đại hóa và quốc tế hóa ngành giáo dục đại học của Việt Nam; (2) hoạt động Thương mại Kỹ thuật số Việt Nam kéo dài ba năm nhằm tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân tại Việt Nam; (3) hoạt động Phát triển Lực lượng Lao động Đổi mới kéo dài 5 năm mới hỗ trợ Trung tâm Đổi mới Quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI)".

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC): "Bà đỡ" cho doanh nghiệp

Nói tới vị trí của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, trong báo cáo phân tích SWOT (ưu điểm, nhược điểm, cơ hội và các mối đe dọa), Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng:

"Việt Nam đang ở ngã rẽ trên quá trình phát triển. Để thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện hạn chế về lao động và vốn, Việt Nam phải hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước".

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đặt ra câu hỏi về một "hệ sinh thái" đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) là câu trả lời cho câu hỏi này.

Là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019, NIC có chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.

Nhà Trắng nhắc tới nơi được ví như 'bà đỡ cho doanh nghiệp', tạo động lực thúc đẩy hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ - Ảnh 2.

Phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. (Nguồn: NIC)

Khi mới chỉ là đề án đang được thảo luận, NIC đã được kỳ vọng là hạt nhân cho nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Trung tâm không chỉ đơn thuần là một tổ hợp với nhiều phân khu chức năng mà giữ vai trò như một "bà đỡ" cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã đạt được một số kết quả đáng kể, cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện, Trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam.

NIC sẵn sàng cung cấp cho các công ty công nghệ hàng đầu không gian làm việc đầy đủ về hạ tầng, pháp lý, lao động, logistics với mức chi phí thấp, từ đó nâng cao được năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

NIC đặt ra sứ mệnh là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc; cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ trong một môi trường thử nghiệm thể chế thuận lợi để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Trung tâm không chỉ là nơi kết nối các chủ thể của hệ sinh thái Việt Nam mà còn là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới trong việc trao đổi, chia sẻ những thành tựu đổi mới sáng tạo tiêu biểu.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 16 về Kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore tháng 12/2022, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã ký biên bản hợp tác về đổi mới sáng tạo với Vụ Đông Nam Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Công thương Singapore.

Từ đó tới nay, NIC đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với 2 trường đại học hàng đầu của Singapore: Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU Singapore) nhằm thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo ở cả hai nước.

Đánh giá về hợp tác chung, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC nhấn mạnh: "Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia với vai trò là đơn vị thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, trong đó giúp đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cơ sở giáo dục và đào tạo ở nước ngoài, chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với NUS, một trong những trường đại học danh tiếng nhất châu Á và thế giới, đồng thời cũng là đơn vị nổi tiếng trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Sự hợp tác này giữa NIC và NUS sẽ tạo điều kiện trao đổi kiến thức, tiếp cận các nguồn lực và mở ra cánh cửa hợp tác, đóng góp cho sự phát triển phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta và củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực."