Theo dữ liệu của Cục thống kê vận tải Mỹ, trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 80.000 chuyến bay nội địa tại nước này bị hủy. Con số này nhiều hơn so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Các chuyến bay bị hủy nửa đầu năm nay phần lớn là của hãng hàng không đông khách nhất nước Mỹ, Afar đưa tin.
Các dịch vụ quá tải, nhiều hãng hàng không liên tục nhận khiếu nại từ hành khách. Theo thống kê từ Bộ giao thông vận tải Mỹ, các khiếu nại về dịch vụ hàng không liên quan đến việc hoàn tiền, hủy, chậm chuyến và các vấn đề về thay đổi lịch trình.
Tại châu Âu, tình trạng quá tải ở các sân bay lớn xảy ra liên tiếp trong mùa cao điểm du lịch. Hàng loạt sân bay như Manchester (Anh), Dublin (Ireland) hay Schiphol (Hà Lan)... ghi nhận tình trạng hàng dài người chen chúc xếp hàng chờ làm thủ tục, vali chất đống.
Ảnh hưởng kéo dài của đại dịch
Những sự cố quá tải kéo dài suốt nửa đầu năm nay, ngay sau thời điểm ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề từ đòn giáng Covid-19 suốt 2 năm. Đó là thời điểm ngành này từng bước trở lại và đối mặt với nhiều thách thức, Laurie Garrow, Chủ tịch AGIFORS, tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu hàng không, chia sẻ với Afar.
Hành khách xếp hàng chờ đợi nhiều tiếng tại sân bay Schiphol (Hà Lan) hồi tháng 6. Ảnh: Peter Dejong. |
Trước đó, vào tháng 3/2020, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không toàn cầu giảm nghiêm trọng khoảng 90-95%. Các hãng hàng không muốn duy trì hoạt động buộc phải giảm thiểu chi phí vận hành. Thời điểm đó, nhiều hãng hàng không ngừng tuyển dụng, cắt bỏ tuyển phi công mới, phi hành đoàn và nhân viên mặt đất cho đến khi tình hình bình thường trở lại.
“Việc tạm dừng tuyển dụng, cắt giảm nhân sự đồng nghĩa với việc khi nhu cầu di chuyển trở lại bình thường như trước dịch, các hãng hàng không rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự. Hiện nhiều công ty đang vật lộn vì thiếu nhân sự trong khi nhu cầu hành khách ngày càng tăng cao", bà Garrow nhận xét.
Thiếu hụt nhân viên mặt đất và phi hành đoàn, kiểm soát không lưu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các sân bay hỗn loạn, hành lý liên tục bị thất lạc, chủ tịch AGIFORS cho biết.
Khai thác bay dù thiếu nhân lực
Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao các hãng hàng không khủng hoảng nguồn lực, những chuyến bay vẫn được khai thác với tần suất dày đặc?
"Kế hoạch, lịch trình các hãng hàng không đổ bể do không lường trước được nhu cầu đi lại tăng đột biến", Robert Mann, chuyên viên phân tích, tư vấn hàng không, nhận định.
Ed Bastian, CEO Delta Air Lines (Mỹ) thừa nhận các hãng hàng không đã phải gồng gánh rất nhiều để bù đắp cho 2 năm thiệt hại về dịch bệnh. Tham vọng về lợi nhuận khi nhu cầu đi lại tăng cao trong khi vấn đề nguồn lực chưa được giải quyết dẫn đến các sự cố quá tải.
Hành lý ngổn ngang ở sân bay Heathrow hôm 18/6. Ảnh: Twitter. |
Trong khi đó, Scott Keyes, chủ hãng bay Scott's Cheap Flights (Mỹ), cho rằng khi các hãng hàng không nhận thấy nhu cầu quay trở lại, họ đã tận dụng mọi nguồn lực sẵn có để khai thác càng nhiều chuyến bay càng tốt.
"Thật khó để đưa ra dự đoán chính xác bao nhiêu chuyến bay sẽ không được bán ra vì hãng bay không chắc chắn về khả năng khai thác", ông Scott lập luận.
Ở giai đoạn hồi phục sau đại dịch, các hãng hàng không chỉ có cách dựa vào tỷ lệ đặt vé, nhu cầu đi lại tăng cao để khai thác càng nhiều chuyến bay càng tốt. Việc thu về lợi nhuận trước là tiền đề để phục hồi từng bước việc thiếu hụt nguồn lực, chủ hãng bay Scott's Cheap Flights chia sẻ với Afar.
Khi nào hết quá tải?
Giữa đầy rẫy những thông tin tiêu cực về ngành hàng không thời gian qua, một vài chỉ số cho thấy hoạt động của các hãng bay có dấu hiệu tích cực sau sáu tháng đầu năm khốc liệt.
Theo số liệu từ dịch vụ theo dõi chuyến bay FlightAware, từ tháng 7, số chuyến bị hủy ở Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 1,6% tổng số chuyến bay theo lịch trình. Tháng 6, chỉ số này ở mức 2,7%.
Hàng loạt chuyến bay đi khắp nơi trên thế giới bị hủy trong mùa cao điểm du lịch. Ảnh: A.P. |
Các hãng hàng không cũng dần có những giải pháp cho việc thiếu hụt nhân sự. Vào tháng 6, American Airlines đã tăng hơn 50% lương phi công ở các đội bay đang thiếu nhân lực.
Hãng bay Delta Air Lines (Mỹ) cũng hỗ trợ các phi công tập sự nhanh chóng có được công việc toàn thời gian. Hãng hàng không này cho biết họ sẽ thuê và đào tạo hơn 2.400 phi công trong năm nay.
Thực tế cho thấy các phi công hiện tại không có được thu nhập "khủng" như giai đoạn trước đại dịch. Các hãng hàng không đang đẩy mạnh vé giá rẻ nhằm hút khách. Để làm được điều đó, họ phải cắt giảm phần nào tiền lương của phi công. Phúc lợi cho phi hành đoàn cũng không được tốt như thời gian trước, một phi công chia sẻ với Afar.
Bất chấp những khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự, các nhà điều hành hãng bay vẫn tỏ thái độ lạc quan rằng những tháng tới tình hình sẽ ổn định hơn.
Bà Laurie Garrow bày tỏ hy vọng rằng từ cuối mùa hè, các hãng bay sẽ cải thiện được hiệu suất để hoạt động trơn tru khi bước sang mùa thu. Chủ tịch AGIFORS tin tưởng năm 2022 là bài học kinh nghiệm đáng nhớ cho các hãng hàng không nhằm cải tiến dịch vụ tốt hơn trong tương lai.
Chuyên gia phân tích hàng không Mann nhận định những vấn đề quá tải sẽ hạ nhiệt sớm. “Tôi nghĩ rằng năm 2023 sẽ tốt hơn, nhưng đó không phải là niềm an ủi cho những người phải trải qua tình trạng hủy chuyến, hoãn chuyến thời gian qua", ông lưu ý.
Theo ông Scott Keyes, những khó khăn vẫn ở phía trước và hy vọng du khách thông cảm với khủng hoảng các hãng hàng không đang trải qua.
“Chúng tôi phải đối mặt với ba rủi ro có thể phát sinh trong vòng 6-18 tháng tới. Đó là những thách thức về hạn chế năng lực của hệ thống, giá nhiên liệu tăng và tình trạng suy thoái đang diễn ra toàn cầu” CEO của United Airlines nhận định.