Địa hình đồi núi là điểm khác biệt của Tây Nguyên, song du khách cần lưu ý về lịch trình, sức khỏe để chuyến đi suôn sẻ. Ảnh: Đà Lạt Review. |
Tây Nguyên có 2 mùa tương phản rõ rệt là mùa khô (tháng 12-4) và mùa mưa (tháng 5-11). Từ tháng 7, khu vực này chính thức bước vào mùa mưa với những cơn mưa nhỏ dai dẳng hay lớn như trút nước vào buổi sáng hoặc chiều.
Du lịch các địa điểm như Đà Lạt (Lâm Đồng), Măng Đen (Kon Tum) hay Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông... vào mùa này, du khách có cơ hội ngắm phố núi khoác lớp áo mới, cây cối tươi tốt và khí hậu đặc biệt mát mẻ. Đây cũng là dịp lý tưởng để tận hưởng nhịp sống yên bình, trải nghiệm nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Tuy nhiên, do địa hình đồi núi đặc thù, du khách cần lưu ý về lịch trình, sức khỏe và di chuyển để đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi.
Lên kế hoạch theo dự báo thời tiết
Đến Tây Nguyên mùa này, du khách cần theo dõi dự báo thời tiết, cảnh báo mưa bão tại điểm đến trên điện thoại hoặc các phương tiện truyền thông để linh hoạt lịch trình vui chơi. Vào những ngày lượng mưa hoặc độ ẩm trong không khí cao, du khách nên ưu tiên các điểm tham quan, ăn uống trong nhà như bảo tàng, khu vui chơi, chợ có mái che, quán cà phê, nhà hàng…
Kiểm tra thời tiết giúp du khách lựa chọn địa điểm phù hợp nhất cho chuyến đi. Ảnh: Yến Nguyễn. |
Khi tham gia các hoạt động như trekking, cắm trại, chèo SUP/kayak hay tắm thác, du khách nên tập trung thành đoàn hoặc theo nhóm. Nếu tách ra đi cá nhân sẽ không thể hỗ trợ nhau kịp thời khi cần thiết. Trường hợp dự báo khả năng mưa trên 50%, du khách cân nhắc chuyển hoạt động sang ngày khác.
Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên khá thất thường. Trường hợp sáng nắng, chiều mưa, đêm lạnh buốt diễn ra thường xuyên. Việc lên kế hoạch dự phòng không bao giờ thừa. Để giữ tinh thần trong suốt chuyến đi, du khách hãy chuẩn bị trước lịch trình thay thế cho các điểm tham quan, vui chơi ngoài trời, phòng khi cơn mưa ập đến ngoài dự báo và kéo dài nhiều giờ.
Chọn điểm lưu trú an toàn
Khách sạn hoặc homestay kiên cố, hệ thống thoát nước tốt và xây dựng kín đáo ở khu vực trung tâm là lựa chọn tối ưu khi du lịch vào mùa mưa. Du khách hạn chế lưu trú gần bìa rừng, khu vực thác, suối, hồ nước hay vùng trũng thấp. Ngoài ảnh hưởng của gió mạnh, ngập lụt và thủy cường dâng cao, các khu vực này còn có nguy cơ gây nguy hiểm từ việc cây cối ngã đổ.
Hạn chế lưu trú gần bìa rừng, khu vực thác, suối, hồ nước hay vùng trũng thấp là cách đảm bảo an toàn cho bản thân. Ảnh: Hiếu Thiên. |
Nhiều du khách có xu hướng thuê phòng ban công để hóng gió, ngắm núi rừng. Tuy nhiên, trong những ngày mưa lớn, gió quật mạnh dễ làm hỏng cửa kính và nước tràn vào phòng. Thay vào đó, du khách có thể giữ an toàn bằng cách thuê phòng có cửa sổ hướng ra núi rừng.
Chuẩn bị áo mưa và trang phục giữ ấm
Để thích nghi với thời tiết đỏng đảnh của Tây Nguyên, du khách nên mang theo áo mưa mọi lúc mọi nơi. Nếu mưa nhỏ, du khách có thể mặc áo mưa di chuyển để không gián đoạn lịch trình. Trường hợp mưa lớn, áo mưa sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự nhiễm lạnh.
Áo mưa không thể thiếu trong vali khi du lịch Tây Nguyên từ tháng 7 đến tháng 11. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Trời mưa và độ ẩm cao khiến nhiệt độ giảm đi đáng kể, du khách nên xếp trang phục dài và dày như áo khoác phao, áo len, áo lông, vớ, bao tay, khăn choàng cổ… vào vali để giữ ấm cơ thể. Ngoài ra, quần áo mặc bên trong cũng nên chọn các chất liệu nhanh khô như cotton, linen, voan… để phòng trường hợp ướt mưa bất chợt nhưng quần áo không đủ thay thế.
Về giày dép, du khách nên ưu tiên giày dép chống thấm nước, có độ bám tốt để tránh trơn trượt. Dép lê, ủng hoặc sandal là lựa chọn phù hợp cho những ngày mưa lớn hoặc các điểm đến phải di chuyển qua đường nhiều bùn lầy.
Ngoài ra, túi zip hoặc đồ đựng bằng nhựa cũng giúp du khách bảo quản các vật dụng và giấy tờ quan trọng như vé máy bay, vé tàu, máy ảnh, điện thoại và các thiết bị điện tử khác.
Chú ý đến sức khỏe
Mùa mưa là thời điểm dễ phát sinh các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Du khách cần chuẩn bị túi y tế cá nhân gồm thuốc cảm, thuốc đau bụng, thuốc kháng sinh, thuốc trị côn trùng cắn, dầu gió, băng cá nhân, oxy già, miếng dán giữ nhiệt… cho những lúc cảm lạnh hay gặp tai nạn ngoài ý muốn.
Du khách nên chuẩn bị túi thuốc cá nhân, phòng trường hợp cảm lạnh hoặc đau bụng. Ảnh: Đặng Thùy Dương. |
Trong trường hợp ướt mưa, hãy trở về nơi lưu trú sớm nhất để thay quần áo và sấy khô tóc. Việc nước mưa thấm vào da và gió lùa khiến cơ thể nhiễm lạnh nhanh hơn, nhất là du khách có sức đề kháng yếu.
Đặc biệt, du khách nên ăn chín uống sôi, tránh các thực phẩm có tính hàn như ốc, sò, nghêu, thức ăn để nguội qua đêm hoặc các đồ chế biến sẵn vì dễ làm đầy bụng và khó tiêu, nặng hơn là ngộ độc.
Cẩn thận khi lái xe
Đất ở Tây Nguyên chủ yếu là đất đỏ bazan, dễ rửa trôi và sạt lở. Trong những ngày mưa, du khách nên lái xe với tốc độ chậm, quan sát cẩn thận vì đường khá trơn trượt. Tránh băng qua đập tràn, đường mòn, đường gần vách núi hoặc đi trong đêm tối. Tuyệt đối không di chuyển lên các ngọn đồi cao hoặc những nơi chứa nhiều kim loại và dây điện.
Trời mưa càng làm đường trơn trượt, du khách nên gia giảm tốc độ và chú ý quan sát khi lái xe. Ảnh: Trần Thu Hiền. |
Khi du lịch Tây Nguyên, du khách nên ưu tiên xe số hơn xe tay ga. Khu vực này chủ yếu là núi non với đường đèo và dốc cao. Chế độ điều chỉnh tốc độ của xe số giúp du khách dễ thích ứng với từng dạng địa hình. Xét về mặt chi phí, xe số tiết kiệm xăng và giá thuê cũng rẻ hơn.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch