Cách đây chưa lâu, trên các phương tiện truyền thông râm ran thông tin: Loship đang chậm thanh toán cho các đối tác chủ cửa hàng. Theo đó, họ không chỉ inbox thẳng vào Fanpage của Loship mà còn lên tận công ty để xử lý công nợ.
“ Giống như rất nhiều ứng dụng giao nhận khác, chúng tôi không trả tiền mặt cho chủ nhà hàng qua từng đơn hàng , doanh thu đơn hàng tại quán sẽ được ghi nhận trên ví cửa hàng tại Loship và được thanh toán tự động qua Ngân hàng.
Vậy nhưng, từ đầu tháng 10 cho tới cuối tháng 11 vừa qua, hệ thống thanh toán của Loship gặp sự cố lỗi nghiêm trọng. Lỗi sự cố này dẫn tới việc là khi cửa hàng rút tiền sẽ không nhận được tiền ngay lập tức. Lúc trước các chủ cửa hàng rút tiền sẽ nhận trong vòng 24 đến 48 tiếng, nhưng trong thời điểm đó chúng tôi phải duyệt thủ công và thực hiện thanh toán bằng tay, cùng với nguồn lực có hạn, dẫn tới quy trình rút tiền kéo dài từ 20 đến 25 ngày.
Chưa hết, hotline cũng như các kênh liên lạc khác của chúng tôi cũng liên tục quá tải và dẫn đến điều đáng tiếc là nhiều đối tác không liên lạc được ”, bà Trần Thụy Nhật Phương - Giám đốc kinh doanh của Loship , cho hay.
Cho đến thời điểm hiện tại, cả việc sửa chữa hệ thống lẫn thanh toán các lệnh rút tiền cho các đối tác nhà hàng của Loship đã gần hoàn tất. Tất cả chủ nhà hàng đã gửi yêu cầu rút tiền trên ứng dụng, cũng như các đối tác liên lạc với Loship đều đã được trả tiền đầy đủ - hơn 90%. Theo kế hoạch, mọi chuyện sẽ được giải quyết toàn bộ 100% vào giữa tháng 12/2022.
Loship không hề xóa các comment đòi tiền của đối tác cửa hàng của mình trên Fanpage.
“ Thông tin ‘việc xảy ra vấn đề nói trên là do Loship không gọi được vốn nữa’ là hoàn toàn sai sự thật. Thực tế, chúng tôi đã đạt được lợi nhuận trên nhiều thành phố và chưa có dự định tiến hành tiếp tục mở rộng quy mô, nên nhu cầu gọi vốn trong bối cảnh hiện tại là chưa cần thiết.
Điều chúng tôi quan tâm nhất vào lúc này đó là: tiếp tục tối ưu hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thế giới khó dự đoán, nhằm đảm bảo hoạt động bền vững hơn trong lĩnh vực giao đồ ăn, đi chợ và giao nguyên vật liệu ”, Giám đốc kinh doanh của Loship khẳng định.
Cũng theo chia sẻ từ đại diện Loship, trong suốt năm 2022, có thể thấy, Loship là một trong số ít các startup đại diện của Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoạt động trong bối cảnh thị trường đầy khó khăn, chịu nhiều ảnh hưởng xấu từ các tác động kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Cuối cùng, bà Trần Thụy Nhật Phương cũng mong muốn giới truyền thông không đưa tin này nữa, để tránh hiểu lầm cho các khách hàng và đối tác, vì có thể có người không đọc hết thông tin mà chỉ đọc tiêu đề.
Thay mặt công ty Loship, bà Nhật Phương cũng muốn gửi lời xin lỗi tới các đối tác nhà hàng vì để xảy ra sự cố vừa qua và Loship đảm bảo rằng 'chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra nữa'.
Sau tất cả, chúng ta có thể thấy thiện chí trả tiền cho đối tác của Loship, khi họ không xóa các comment đòi tiền của các chủ nhà hàng trên Fanpage mà còn hướng dẫn đi nhận tiền tận tình và chu đáo.
Loship vừa gọi được 12 triệu USD ở vòng Pre-Series C trong năm ngoái.
Hơn nữa, vào tháng 8/2021, Loship vừa công bố gọi vốn thành công 12 triệu USD ở vòng Pre-Series C do BAce Capital (quỹ đầu tư mạo hiểm do Ant Group hậu thuẫn) và Sun Hung Kai & Co. Limited (tập đoàn bất động sản hàng đầu Hong Kong) đồng dẫn dắt.
Sự việc lần này có thể do phía Loship truyền thông chưa tốt ngay khi phát hiện sự cố, hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý những trường hợp tương tự, hoặc họ không lường được phản ứng lớn của các đối tác, đã khiến sự việc đáng tiếc xảy ra.
Về phía chủ nhà hàng, bởi đã có quá nhiều trường hợp tương tự xảy ra trước đây – startup/doanh nghiệp ‘bùng tiền’ đối tác, nên họ như ‘chim sợ cành cong’. Có thể, ngay cả khi Loship gửi thư trấn an và hứa sẽ trả đủ, họ cũng sẽ không yên tâm, và muốn đến tận nơi để đòi lại tiền.