[Longform] Mở đường cho văn hóa từ chức

Ngày 3/10, tại Hội nghị lần thứ sáu, Trung ương (T.Ư) đã thống nhất cho ba trường hợp từng bị kỷ luật cảnh cáo thôi tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII. Đây chính là 3 trường đầu tiên thực hiện Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, trong đó có việc khuyến khích những người bị kỷ luật từ chức.

[Longform] Mở đường cho văn hóa từ chức - Ảnh 1.

Trong 2 ngày, 21-22/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII.

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Bà Mai cho biết, năm 2021 đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng. Dù tỷ lệ bị kỷ luật chỉ chiếm 0,2% là thấp trong hơn 50.000 tổ chức cơ sở đảng, nhưng Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh “không thể xem thường, mỗi một nơi, tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật thì ở đó lòng tin của nhân dân bị giảm sút”.

[Longform] Mở đường cho văn hóa từ chức - Ảnh 2.

Đặc biệt, bà Mai đề nghị Chủ nhiệm UBKT T.Ư phối hợp, ở đâu, tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật phải thay cấp ủy viên ngay. “Không thể để mấy ông cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi để ảnh hưởng lòng tin của nhân dân với Đảng, trong khi đó hàng chục ngàn tổ chức cơ sở đảng làm tốt”, bà Mai nói.

Thực tiễn trong trong 10 năm qua (tính đến tháng 6/2022), các cơ quan của Đảng đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện T.Ư quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Tuy nhiên, đến trước Hội nghị T.Ư lần thứ sáu, gần như không có cán bộ nào chủ động xin từ chức do bị kỷ luật, dù uy tín giảm sút.

[Longform] Mở đường cho văn hóa từ chức - Ảnh 3.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã có hơn 50 cán bộ diện Trung ương bị kỷ luật, trong đó có 7 Ủy viên T.Ư Đảng đương nhiệm. Đó là các ông: Trần Văn Nam (Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN), Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Thành Phong (Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM), Huỳnh Tấn Việt (Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên), Phạm Xuân Thăng (Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và Bùi Nhật Quang (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Điều đáng nói là sau khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư có kết luận sai phạm, thậm chí có trường hợp đã bị Bộ Chính trị kỷ luật nhưng vẫn ngồi yên trên “ghế”, không hề có thông tin về sự chủ động trong việc xin từ chức.

[Longform] Mở đường cho văn hóa từ chức - Ảnh 4.

Ngày 8/9, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Thông báo Kết luận số 20 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

[Longform] Mở đường cho văn hóa từ chức - Ảnh 5.

Thông báo của Bộ Chính trị nêu rõ: Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Cùng với đó, kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Tiếp đó, ngày 21/9, Ban Tổ chức T.Ư đã ban hành Hướng dẫn số 21 để cụ thể hóa Thông báo Kết luận số 20. Cụ thể, đối với cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì làm đơn gửi ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư nơi công tác.

Ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư nơi cán bộ công tác họp, cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư qua Ban Tổ chức T.Ư. Ban Tổ chức T.Ư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.

Đối với cán bộ là Ủy viên T.Ư Đảng, Ban Tổ chức T.Ư trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; trao đổi với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác về việc thực hiện chủ trương của Đảng, gồm cả trường hợp cán bộ bị kỷ luật là người đứng đầu.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; báo cáo ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư nơi cán bộ công tác để cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị.

Trên cơ sở ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, Ban Tổ chức T.Ư lấy ý kiến bằng văn bản của UBKT T.Ư, Ban Nội chính T.Ư và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan; tổng hợp ý kiến các cơ quan, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.

[Longform] Mở đường cho văn hóa từ chức - Ảnh 6.

Hơn 20 ngày sau khi Bộ Chính trị ban hành Thông báo Kết luận số 20, trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị lần thứ sáu (ngày 3/10), T.Ư đã thống nhất để ba trường hợp thôi tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII.

Đó là các ông: Nguyễn Thành Phong, Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Bùi Nhật Quang, Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan T.Ư. Trước đó, cả ba Ủy viên T.Ư Đảng trên đều đã bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Việc cho ba cán bộ trên thôi tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII dựa trên căn cứ quyết định hiện hành, ý kiến của các cơ quan liên quan và chủ trương của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật; Trên cơ sở đề nghị của cấp uỷ, tổ chức đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ.

[Longform] Mở đường cho văn hóa từ chức - Ảnh 7.

Trước đó, theo thông báo của Bộ Chính trị, ông Huỳnh Tấn Việt phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng đoàn HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, tài sản nhà nước, quản lý và bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, thi tuyển công chức, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, làm thất thoát ngân sách nhà nước; để xảy ra một số vụ án hình sự, một số cán bộ, đảng viên trong đó có lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh bị kỷ luật, xử lý hình sự..

Đối với ông Nguyễn Thành Phong, trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương; chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và Uỷ ban nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Còn ông Bùi Nhật Quang phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng uỷ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 (giai đoạn từ tháng 11/2019 đến tháng 8/2020) và nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vi phạm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, Quy chế làm việc của Đảng uỷ dẫn đến nội bộ Ban Thường vụ Đảng uỷ, tập thể lãnh đạo Viện Hàn lâm mất đoàn kết.

Ông Quang cũng vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương, về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; thiếu trách nhiệm, buông lỏng chỉ đạo, quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát để Viện Hàn lâm và một số đơn vị trực thuộc có nhiều vi phạm kéo dài trong công tác cán bộ, quản lý sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; quản lý nghiên cứu khoa học, đào tạo; giải quyết khiếu nại, tố cáo; không thực hiện nghiêm chỉ đạo, kết luận của các tổ chức đảng cấp trên...