Ngày 31/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương và lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học...
Cần có cơ chế như đặc khu
Sau gần 20 năm thực hiện, từ một huyện đảo chỉ có cảnh đẹp hoang sơ và dân cư thưa thớt, Phú Quốc vươn lên đô thị loại II và là thành phố đảo trực thuộc tỉnh đầu tiên trong nước.
Hiện tỉnh Kiên Giang và Tp.Phú Quốc tập trung nguồn lực để đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn nâng cấp lên đô thị loại I trước năm 2025.
Mục tiêu của Phú Quốc là trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp quốc tế, sánh ngang với các khu du lịch nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới. Góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, khẳng định “công thức” mang đến sự phát triển của Phú Quốc trong gần 20 năm qua là sự kết hợp của các yếu tố: Tầm nhìn, chủ trương, quy hoạch, hạ tầng khung và cơ chế chính sách đột phá, nhà đầu tư chiến lược, sự đồng thuận của nhân dân, phân cấp, phân quyền.
Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp ở Phú Quốc đều nhận định Phú Quốc tuy có tốc độ phát triển rất nhanh nhưng chưa thật sự đúng như kỳ vọng.
Các đại biểu đều nhấn mạnh việc phân cấp phân quyền, trao cho Phú Quốc cơ chế phát triển đặc thù, thể chế vượt trội, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, Phú Quốc là thành phố biển đảo chưa đủ, phải có cơ chế như đặc khu.
“Đặc khu không phải là dành nhiều ưu đãi đặc biệt, mà là cơ chế thông thoáng, tiến tới cấu trúc thể chế hoàn chỉnh. Chúng ta luôn nhìn sang Singapore để so sánh và muốn Phú Quốc phải phát triển như họ. Nhưng ta chỉ thành phố đảo, là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện, còn họ là quốc đảo. Phú Quốc có đủ điều kiện và lợi thế để đi sau về trước, vẫn có thể vượt qua Singapore nhưng cần phải có thể chế vượt trội. Chúng ta chậm là sẽ đánh mất thời cơ…”, tiến sĩ Thiên nêu ý kiến.
Đại diện cho các doanh nghiệp tại Phú Quốc, bà Lê Thị Hải Châu, Tổng thư ký Hội Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế đặc biệt dành cho Phú Quốc.
“Để có cơ chế cho Phú Quốc phát triển, Chính phủ nên phân cấp phân quyền cho Phú Quốc trên cơ sở xây dựng một đề án cơ chế chính sách đặc thù nào đó. Ví dụ như Nghị quyết 98 cho Tp.Thủ Đức vừa rồi. Có được cơ chế này thì Phú Quốc mới thoát ra khỏi cái áo khoát mà địa phương đang mặc của một chính quyền đô thị cấp huyện. Với cơ chế như bây giờ, áp dụng chung cho quy chế về quản lý tổ chức hành chính chính quyền địa phương thì Phú Quốc cũng như các đơn vị hành chính cấp huyện khác mà thôi”, bà Châu nói.
Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thống nhất với quan điểm của các đại biểu. Bà cho rằng trước nhất là cần thống nhất xây dựng một đề án thí điểm chính quyền đô thị đầu tiên tại Phú Quốc.
“Từ thí điểm sẽ có rất nhiều nội dung cụ thể, nội hàm một cách rất rõ để có thể chúng ta thực hiện được tất cả những yêu cầu đối với một chính quyền đô thị trong tỉnh như thế nào với đặc trưng, đặc thù của Phú Quốc. Chúng tôi sẽ phối hợp với tỉnh Kiên Giang và các bộ, ngành có liên quan trong xây dựng một đề án tổng thể về cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc gắn với thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Khi đủ các yếu tố hội tụ, tôi nghĩ chúng ta có thể tính đến một đơn vị hành chính đô thị trực thuộc trung ương sau này. Để đảm bảo được chính quyền đô thị thì chúng ta phải tập trung cao độ, toàn tâm toàn ý để thúc đẩy nhanh cho tốc độ đô thị hóa của Phú Quốc để trở thành đô thị loại 1…”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.
Tiềm năng lớn, cơ chế chính sách hạn hẹp
Phát biểu chỉ đạo kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đúc rút “6 điểm hơn” sau 20 năm phát triển Phú Quốc, đó là: Tiềm lực được tăng cường hơn; Hạ tầng chiến lược đồng bộ hơn; Sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế nhiều hơn; Uy tín, vai trò, vị thế của Phú Quốc tăng lên; Đóng góp cho GDP, thu ngân sách, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cao hơn; Thời cơ, thuận lợi nhiều hơn dù khó khăn, thách thức cũng không ít hơn, nhất là cho phát triển xanh, bền vững và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ hơn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, như Phú Quốc chưa phát triển đúng tầm và có thể phát triển tốt hơn. Phú Quốc cũng đang phát triển nóng, có nhiều yếu tố thiếu bền vững như bảo đảm nước sạch, chưa có nhà máy, trung tâm xử lý rác thải phù hợp quy mô dân số; hạ tầng chuyển đổi số còn nhiều khó khăn.
“Phú Quốc có tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Môi trường và nguồn nhân lực còn nhiều thách thức. Yêu cầu, điều kiện, sự phát triển càng ngày càng cao hơn nhưng nguồn lực, cơ chế huy động nguồn lực chưa được như mong muốn, chưa ngang tầm sự phát triển. Bên cạnh đó là những bất cập liên quan quản lý đất đai, đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn...”, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.
6 bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Quyết định 178
Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích và rút ra 6 bài học kinh nghiệm cho Phú Quốc sau 20 năm thực hiện Quyết định 178
Thứ nhất, nhận diện, đánh giá đúng tiềm năng, cơ hội, lợi thế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển để từ đó có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Thứ hai, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tin, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, bởi thực tế Phú Quốc đã "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
Thứ ba, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thứ tư, cơ chế huy động nguồn lực phải thông thoáng, kết hợp giữa nguồn vốn Trung ương và địa phương, nguồn lực Nhà nước và xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư bằng nhiều hình thức.
Thứ năm, phát triển con người, công tác cán bộ, đào tạo nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định.
Thứ sáu, phải quan tâm, đầu tư đúng mức để bảo vệ môi trường, sinh thái.