Không chỉ Cam Lộ - La Sơn, còn 4 tuyến cao tốc cũng chỉ có 2 làn xe

Trong 12 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư, có 5 tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe với chiều dài 371km, chiếm khoảng 20% tổng chiều dài đường bộ cao tốc đang khai thác.

Khoảng 10h sáng ngày 18/2, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, lại thêm một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 người tử vong, 2 người bị thương. Vụ tai nạn không chỉ khiến câu chuyện về ý thức giao thông trở nên nóng bóng mà còn chủ đề phân kỳ đầu tư hệ thống cao tốc cũng được dư luận quan tâm trở lại.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của hệ thống cao tốc của nước ta, kể từ khi tuyến cao tốc đầu tiên (Tp.HCM - Trung Lương) được khởi công năm 2004, sau 20 năm xây dựng, đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác hơn 1.800 km đường cao tốc, trong đó có khoảng 743 km được phân kỳ đầu tư (khoảng 41%), gồm 371km 2 làn xe và 372km 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục.

Cụ thể, có 7 tuyến 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục với chiều dài 372 km gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL.45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đối với 371 km cao tốc 2 làn xe gồm có 5 tuyến: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn – Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Cao tốc Cam Lộ – La Sơn có tổng mức đầu tư là 7.699 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 9/2019 và chính thức khánh thành, đưa vào khai thác vào ngày 31/12/2022

Tuyến đường có chiều dài 98,35 km, trong đó đoạn đi qua Quảng Trị dài 37,35 km và đoạn đi qua Thừa Thiên Huế dài 61 km. Giai đoạn đầu, tuyến cao tốc này có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12 m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m, thiết kế với vận tốc 80 km/h.

Những bất cập đang tồn tại hiện nay trên tuyến cao tốc này là: cao tốc chỉ có 2 làn đường; có một số đoạn thắt nút cổ chai; gần như không có hệ thống đèn chiếu sáng cao áp bên đường, không có hệ thống camera giám sát.

Cao tốc La Sơn – Túy Loan

Đây là một đoạn đường cao tốc thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa phận hai tỉnh thành Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, với tổng chiều dài 77,5 km, bao gồm hai đoạn là La Sơn - Hòa Liên và Hòa Liên - Túy Loan.

Theo phân kỳ đầu tư, trong giai đoạn 1, cao tốc này chỉ có 2 làn xe, nền đường rộng 12m (trước mắt chỉ đầu tư 66km đoạn La Sơn - Hòa Liên, 11,5km đoạn Hòa Liên - Túy Loan giữ nguyên đường hiện trạng đang khai thác, chưa đầu tư mở rộng), tổng mức đầu tư dự án là hơn 11.400 tỷ đồng.

Cao tốc Yên Bái – Lào Cai

Đây là một đoạn thuộc tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, với chiều dài hơn 100km. Phần lớn đoạn đường này chỉ là hai làn xe chạy cho hai chiều và chỉ có vạch kẻ phân chia hai chiều xe chạy, thỉnh thoảng mới có đoạn có bốn làn xe nhưng chỉ rất ngắn để cho xe tránh vượt.

Ngay từ khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thông xe vào năm 2014, trong dư luận đã có những thắc mắc về việc đoạn từ Yên Bái - Lào Cai chỉ có hai làn xe và không có dải phân cách có sai quy định hiện hành về đường cao tốc và có an toàn trong giao thông?

Sự kiện - Không chỉ Cam Lộ - La Sơn, còn 4 tuyến cao tốc cũng chỉ có 2 làn xe

Một đoạn cao tốc Yên Bái - Lào Cai quy mô 2 làn xe.

Cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình

Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình với chiều dài khoảng 26 km (điểm đầu tại Km6+680 tách đường Hòa Lạc - Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam; điểm cuối tại Km32+367, xã Trung Minh, TP Hòa Bình) đã hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác từ tháng 10/2018 với quy mô 2 làn xe cơ giới, vận tốc 80 km/giờ).

Cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới

Tuyến đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới dài gần 40km, được thiết kế 2 làn xe ô tô với 2 làn xe thô sơ, bề rộng làn đường 12m, tốc độ thiết kế xe chạy 80 km/h, chính thức khai trương từ ngày 31/1/2017. Tuyến đường có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.

Phương án mở rộng 12 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư

Trước đó, vào cuối năm 2023, Bộ GTVT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về đánh giá, nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ đầu tư.

Theo đó, Bộ GTVT, các địa phương và cơ quan liên quan đã và đang rà soát, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 12 tuyến cao tốc đang khai thác (5 tuyến 2 làn xe và 7 tuyến 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục).

Cụ thể, đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư mở rộng tuyến La Sơn - Hòa Liên từ 2 làn lên 4 làn xe; mở rộng theo quy hoạch 6 làn xe các tuyến Cao Bồ - Mai Sơn bằng nguồn tăng thu ngân sách năm 2022, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức PPP.

Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu mở rộng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình từ 2 làn xe lên 4 làn xe theo hình thức PPP. Tỉnh Hoà Bình đã chấp thuận cho nhà đầu tư thực hiện các bước điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) đang nghiên cứu phương án huy động vốn, hình thức đầu tư mở rộng đoạn tuyến Yên Bái - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai từ 2 làn xe lên 4 làn xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GTVT, các địa phương và cơ quan liên quan đã và đang rà soát, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng 12 tuyến cao tốc đang khai thác.

Đối với các đoạn tuyến còn lại gồm Cam Lộ - La Sơn, Thái Nguyên - Chợ Mới, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn- Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ VN theo dõi lưu lượng xe, nghiên cứu nâng cao tốc độ khai thác, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành để điều tiết giao thông, xử lý kịp thời các sự cố. Bộ GTVT đang rà soát, lập danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng mới, Bộ GTVT cho biết, sẽ nghiên cứu việc xây dựng tuân thủ theo quy chuẩn đường cao tốc; ưu tiên việc đầu tư theo quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh như đang triển khai với tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn, Ninh Bình - Hải Phòng, Gia Nghĩa - Chơn Thành; mở rộng mặt cắt ngang bảo đảm việc khai thác đáp ứng tiêu chuẩn đường bộ cao tốc như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Sự kiện - Không chỉ Cam Lộ - La Sơn, còn 4 tuyến cao tốc cũng chỉ có 2 làn xe (Hình 2).

Một đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan quy mô 2 làn xe.

Theo dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc hiện đang được Bộ GTVT xây dựng, căn cứ vào tốc độ thiết kế, đường cao tốc được phân làm 3 cấp. Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h, cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h, cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h. Cấp thiết kế đặc biệt, tốc độ thiết kế trên 120 km/h, được nghiên cứu, thiết kế riêng.

Trong đó, cấp 80 là cấp thiết kế tối thiểu chỉ nên áp dụng đối với các vùng có địa hình khó khăn như vùng núi, đồi cao hoặc trường hợp phân kỳ đầu tư. Đối với các vị trí đặc biệt khó khăn có thể giảm tốc độ thiết kế để giảm kinh phí đầu tư, tuy nhiên trong mọi trường hợp không nhỏ hơn 60 km/h.

Dự thảo thông tư cũng quy định mặt đường (phần xe chạy) mỗi chiều trên đường cao tốc hoàn chỉnh tối thiểu là 2 làn xe/mỗi chiều và phải đảm bảo đủ năng lực thông hành cho lưu lượng xe tính toán.