ChatGPT là gì?
ChatGPT là một chatbot do Open AI phát triển, được ra mắt vào ngày 30/11/2022. Chỉ sau 5 ngày, đã có rất nhiều người dùng đăng ký công cụ này.
ChatGPT được đánh giá là ‘trả lời câu hỏi như người thật’, có thể trình bày ý tứ một cách logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy cho các câu hỏi phức tạp. Được đánh giá là công cụ mạnh hơn bất cứ chatbot nào từng có trước đây, ChatGPT có thể viết kịch bản, viết tiểu luận cấp đại học, viết content…
Khi ChatGPT mới ra mắt, nhiều người dùng thử nghiệm cho rằng ‘ChatGPT có thể thay thế công cụ tìm kiếm của Google’. Trước đó, Google bỏ ngoài tai các bình luận như vậy và nói ‘không có gì phải lo lắng’.
Nhưng chỉ một tháng sau, đội ngũ điều hành của Google bất chợt ‘quay xe’ và phát hoảng trước sự đe dọa tiềm tàng của chatbot này. Thậm chí, ngay trước lễ Giáng Sinh, Sundar Pichai, CEO của Google, đã vội vã phát ‘Báo động đỏ’ (‘Code Red’) cho toàn công ty công ty vì ChatGPT đang trở nên quá bùng nổ trên toàn cầu.
Một phần nhờ ChatGPT, trí tuệ nhân tạo hiện đang là từ khoá hot trên thế giới trong thời gian gần đây.
Viettel không nằm ngoài cuộc chơi AI
Ở Việt Nam, Viettel là một trong những đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu AI. Anh Nguyễn Mạnh Quý Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) cho biết Viettel tập trung nghiên cứu phát triển AI với 3 lĩnh vực chính: xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và phân tích dữ liệu.
Về công nghệ xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên, anh cho biết các ứng dụng tương tác bằng tiếng Việt chưa nhiều. Các loại loa sử dụng trợ lý ảo của Google, Amazon, Microsoft… chủ yếu vẫn bằng tiếng Anh chứ chưa hỗ trợ tiếng Việt, nhất là với tiếng địa phương.
Nắm bắt được điều này, Viettel Cyberspace đã phát triển các dòng sản phẩm Trợ lý ảo tương tác bằng tiếng Việt giúp người dân tiếp cận với công nghệ tiên tiến một cách dễ dàng hơn.
Với công nghệ thị giác máy tính, Viettel đã và đang triển khai nhiều dự án thành phố thông minh vì vậy có nhiều lợi thế trong việc triển khai các camera thông minh, giống như "mắt thần" có thể nhận diện người, nhận diện phương tiện giao, hiểu được ngữ cảnh, phân tích các hành vi giúp giám sát giao thông thông minh và an ninh an toàn trong các thành phố.
Còn với công nghệ quản trị và phân tích dữ liệu, đây là lĩnh vực mà Viettel đã phát triển từ rất sớm (năm 2014) ứng dụng trong các bài toán kinh doanh viễn thông. Chuyển đổi số thì cần phải số hoá dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn, và dùng AI để phân tích, dự báo, dự đoán qua đó lập các kế hoạch hành động.
Khát vọng ‘AI cho mọi người’
Về các sản phẩm AI mà Viettel phát triển, anh Nguyễn Mạnh Quý cho biết, Viettel đã triển khai nhiều sản phẩm có ứng dụng thực tế và đem lại hiệu quả quan trọng trong đời sống.
Thứ nhất là các camera thông minh. Khi triển khai giải pháp cho smart city tại nhiều địa phương, các camera này sẽ giám sát an ninh an toàn, giao thông, phát hiện ra hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi sai làn, đâm xe, đánh nhau, trèo tường, đổ rác sai quy định...
Triển khai smart city cần hàng trăm, hàng nghìn camera, không thể dùng nguồn lực con người xem hết hàng nghìn camera đó được, mà buộc phải sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích tự động và đưa ra cảnh báo. Trong các tòa nhà, camera thông minh ứng dụng vào việc kiểm soát người ra vào, phát hiện người lạ.
Thứ hai là trợ lý ảo. Hiện tại rất nhiều các doanh nghiệp viễn thông và ngân hàng đang ứng dụng vào công tác chăm sóc khách hàng. Ở Viettel, trợ lý ảo giúp cho công tác chăm sóc khách hàng giúp tối ưu 50% nhân công. Hiện nay, Trợ lý ảo tích hợp để trả lời khách hàng trên các trang web hay ứng dụng trên di động đã trở lên phổ biến.
Đối với các tổng đài dịch vụ công ở địa phương, thì cần tối ưu người ngồi để nghe và trả lời các cuộc gọi của người dân để tránh làm phình to bộ máy hành chính. Thay vào đó, trợ lý ảo được ứng dụng giúp trả lời thắc mắc của người dân về dịch vụ công một cách tự động.
Anh Quý cho biết, quá trình phát triển của Trợ lý ảo sẽ là một quá trình diễn ra liên tục, càng mở rộng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và càng có nhiều người dùng thì trợ lý ảo càng thông minh. Viettel Cyberspace muốn trợ lý ảo ở khắp mọi nơi như: tích hợp vào TV thông minh, tích hợp vào ứng dụng trên điện thoại di động, tích hợp vào ứng dụng trên ôtô khi lái xe, trợ lý chăm sóc sức khoẻ, trợ lý pháp luật…
Viettel muốn phát triển trợ lý ảo giống như một người bạn hiện diện ở khắp mọi nơi và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi hoặc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, người bạn này phải hiểu được ngữ cảnh và tương tác có cảm xúc.
Anh Quý chia sẻ: “Người bạn ảo là một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo đã phổ biến ở một số quốc gia (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), nhưng với tiếng Việt thì chưa ai làm. Chúng tôi thấy cơ hội đó ở Việt Nam với 100 triệu người dùng. Hiện nay, rất ít công ty đầu tư dài hạn vào công nghệ như Viettel, vì vậy chúng tôi cần đi nhanh hơn để mỗi người dân Việt Nam có một người bạn ảo.
Hiện nay chúng tôi đã phát triển 3 trong 35 nền tảng số quốc gia nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp và chính quyền chuyển đổi số, đó là: Nền tảng trí tuệ nhân tạo, Nền tảng trợ lý ảo, Nền tảng tổng hợp và phân tích dữ liệu.
Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi sẽ là tiếp tục nghiên cứu để trí tuệ nhân tạo ngày càng thông minh hơn cho mọi người, qua đó mỗi người dân có một người bạn ảo thông minh, thân thiện và đáng tin cậy. Người bạn ảo này sẽ có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lúc sẵn sàng hỗ trợ khi cần”.