Ngày 1-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2022. Hàng loạt vấn để nóng được Thủ tướng chỉ đạo giải quyết.
Kinh tế vĩ mô ổn định
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III tăng 13,67%. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay.
Kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 558,5 tỉ USD (tăng 15,1%), xuất siêu 6,52 tỉ USD. Đáng chú ý, Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, đứng thứ 7 thế giới về tỉ lệ tiêm liều vắc-xin COVID-19 nhắc lại, thứ 5 về số liều vắc-xin trung bình mỗi người dân nhận được.
Về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến ngày 28-9, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt 61.000 tỉ đồng. Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.552 tỉ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đến ngày 23-9 đạt khoảng 3.545 tỉ đồng cho hơn 5 triệu người; hỗ trợ 2% lãi suất cho khoảng 9.800 tỉ đồng dư nợ tín dụng, với số tiền là 13,5 tỉ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường là 39.422 tỉ đồng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành cuộc họp Chính phủ vào ngày 1-10Ảnh: NHẬT BẮC
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Sức ép lạm phát ở trong nước vẫn hiện hữu, gây nguy cơ bất ổn vĩ mô. Giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện; việc triển khai một số chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiệt hại lớn. Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng do đợt bão, lũ vừa qua. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước bão lũ, thiên tai.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý quý IV có ý nghĩa quan trọng, là thời gian nước rút để về đích. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Từ thực tế số ca mắc COVID-19 có diễn biến phức tạp, tiêm vắc-xin tại một số nơi chưa đạt mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19. "Đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin, bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế; khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số nơi như vừa qua; giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án xây dựng bệnh viện kéo dài" - Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh kiên trì, nhất quán, xuyên suốt, ưu tiên mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ, theo dõi sát tình hình, diễn biến thế giới, khu vực, tăng cường phân tích, dự báo, có giải pháp kịp thời, phù hợp. Thủ tướng cho rằng cạnh tranh chiến lược, chính sách phòng chống dịch của các nước trên thế giới, lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng, đồng USD tăng giá sẽ tác động đến nước ta thời gian tới. Để chủ động ứng phó, phải đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và giảm nhập khẩu, tăng tổng cung và tổng cầu trong nước.
Về điễm "nghẽn" đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh tiến độ. Vốn đầu tư công là nguồn lực rất lớn, việc giải ngân đầu tư công là một trong những chính sách tài khóa có ý nghĩa quan trọng, tạo công ăn việc làm, tạo dư địa, không gian phát triển mới, tạo sản phẩm xã hội, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ…
Công chức, viên chức nghỉ việc, do đâu?
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã trả lời báo chí về việc thời gian qua có tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) nghỉ việc, đặc biệt trong ngành y tế. Qua báo cáo của 28 cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành phố, cho thấy từ đầu năm 2020 đến tháng 6-2022, cả nước có 39.552 CB-CC-VC nghỉ việc (chiếm gần 2% tổng số biến chế được giao). Lĩnh vực y tế có hơn 16.400 người nghỉ việc và lĩnh vực giáo dục có hơn 12.100 người nghỉ việc.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, trong tổng số CB-CC-VC nghỉ việc nêu trên, các cơ quan Trung ương chiếm 18%, còn lại là ở các địa phương. Về nguyên nhân, ông Thăng cho rằng chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ mặc dù đã có cải thiện, Trung ương và cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này nhưng nhìn chung chính sách tiền lương khu vực công còn nhiều khó khăn. "Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có báo cáo gửi Chính phủ xem xét tăng lương như thế nào cho phù hợp" - ông Thăng nói.
Bên cạnh đó, ông Thăng cũng chỉ rõ công tác quy hoạch cán bộ, đội ngũ chuyên gia chưa được tốt. Theo đó, những cán bộ có kiến thức, chuyên môn năng lực giỏi nhưng chế độ đãi ngộ chưa phù hợp, trong khi khu vực tư lại có nhiều chính sách để thu hút. Ngoài ra, thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh giản biên chế, nên ở một số cơ quan khối lượng công việc tăng, gây sức ép cho đội ngũ CB-CC-VC, đặc biệt là lĩnh vực y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 thời gian qua. Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đề cập đến điều kiện, môi trường làm việc ở khu vực công chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo ra cơ hội phát triển cho đội ngũ CB-CC-VC. "Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân đến từ chính CB-CC-VC, khi họ muốn thay đổi môi trường làm việc, thay đổi định hướng làm việc nên chủ động nghỉ khu vực công" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhìn nhận.
Nghiên cứu cơ chế dự trữ thuốc hiếm
Liên quan đến giải pháp hỗ trợ các bệnh viện trong tình trạng thiếu thuốc khi chưa gỡ rối được công tác đấu thầu, tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết cơ quan này đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu. Bộ Y tế đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm và đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với những thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán giá...
Bộ Y tế đang nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở y tế. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
Vì sao chiết khấu xăng dầu 0 đồng/lít?
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước đến nay "làm khá tốt", trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới gặp khó khăn.
Đối với vấn đề chiết khấu cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu thời gian qua ở mức 0 đồng/lít, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thừa nhận đây là thực tế nhưng nhà nước không quy định, không điều chỉnh mức chiết khấu, mà hoàn toàn là thỏa thuận giữa DN đầu mối với các đơn vị bán lẻ. Về nguyên nhân, ông Hải cho biết đầu năm 2022, thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp, DN đầu mối tăng mạnh lượng nhập khẩu nhưng vừa qua giá xăng dầu liên tục giảm mạnh, DN thua lỗ, buộc họ phải giảm chiết khấu. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2021, các chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đều tăng nhưng chưa "tính đúng tính đủ" trong giá cơ sở xăng dầu nên DN đầu mối đã giảm chiết khấu.