"Giải pháp này làm giảm thất thoát lương thực, cải thiện an ninh lương thực, giảm phát thải khí nhà kính, tạo việc làm, giảm nghèo và xây dựng khả năng phục hồi, tất cả chỉ trong một lần thực hiện" - trang tin UN News dẫn lời Giám đốc điều hành UNDP Inger Andersen.
Nông dân thu hoạch cây cao lương sau trận mưa lớn ở làng Kournari, ngoại ô Ndjamena - Chad hôm 26-10 Ảnh: REUTERS
Báo cáo vừa được trình bày tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Ai Cập.
Theo báo cáo, trong năm 2020, gần 3,1 tỉ người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Năm nay, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục de dọa an ninh lương thực toàn cầu.
Trong khi đó, các nước đang phát triển lẽ ra tiết kiệm được 144 triệu tấn lương thực mỗi năm nếu họ có được chuỗi cung ứng lạnh thực phẩm ngang bằng với các quốc gia giàu có hơn.
Lượng khí thải từ thất thoát và lãng phí thực phẩm đạt khoảng 1 tỉ tấn CO2 vào năm 2017, tương đương 2% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Lãng phí lương thực cũng làm tăng việc chuyển đổi đất đai không cần thiết, tăng sử dụng nước và năng lượng, bao gồm từ nhiên liệu hóa thạch.
"Tất cả các bên liên quan có thể góp sức nhằm giúp các hệ thống cung ứng thực phẩm hiệu quả và bền vững hơn, qua đó giúp sản xuất và dinh dưỡng tốt hơn" - Tổng Giám đốc FAO Dongyu Qu kêu gọi.