Hội chứng antifan mạng xã hội và những hệ lụy

Thời gian qua, hàng loạt các hội nhóm antifan người nổi tiếng trên mạng xã hội đã ra đời. Tuy nhiên, đằng sau những hội nhóm này lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Những ngày qua, các phát ngôn của hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi đã tạo nên làn sóng thảo luận khá tiêu cực trên mạng xã hội. Bên cạnh nhóm antifan lớn nhất với hơn 600.000 thành viên, còn một vài nhóm nhỏ hơn với 128.000 hay 12.000 thành viên. Thậm chí, nhiều người tràn vào cả fanpage của Hoa hậu Thế giới để bóc phốt. Nhóm antifan này được cho là hoạt động có quy mô, thậm chí còn cầm băng rôn yêu cầu cô trả lại vương miện. Vì làn sóng chỉ trích của antifan quá lớn, mọi hoạt động sau đăng quang của hoa hậu này buộc phải “đóng băng”.

Chuyện antifan không hài lòng với việc làm của người nổi tiếng và công kích họ trên mọi “mặt trận” xảy ra rất nhiều trong những năm qua. Tuy nhiên, thay vì dừng lại ở việc khen chê, góp ý một cách văn minh thì nhiều hội nhóm lại có những hoạt động chỉ trích nặng nề, có tính xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, quyền lợi của người khác.

Mở mạng xã hội, không khó để bắt gặp những hội nhóm được lập ra để kêu gọi tẩy chay với những từ ngữ tiêu cực nhất. Một số nghệ sĩ tên tuổi từng trở thành nạn nhân của các group anti fan như Hương Giang, Lâm Vĩ Dạ, Hải Tú, Sơn Tùng MTP, Jack….. Với sự hỗ trợ của công nghệ, các nhóm antifan ngày càng có nhiều quyền lực và tầm ảnh hưởng nhờ những người của công chúng. Họ sẵn sàng đăng hàng trăm bài nói xấu, chế ảnh, bóc phốt mỗi ngày. Thậm chí len lỏi vào các fanpage nhãn hàng hợp tác với người nổi tiếng đòi tẩy chay.

photo-1692167575220

Nhóm antifan của hoa hậu ý Nhi có gần 650.000 thành viên

 Thực tế, chúng ta cũng từng chứng kiến không ít cuộc chiến tẩy chay thiếu văn minh của các hội nhóm antifan quá khích ngay trên mạng xã hội. Và điều này trở nên nguy hiểm, khó kiểm soát hơn khi hội nhóm được lập ra với mục đích triệt hạ cá nhân hoặc câu like, câu view, trục lợi cá nhân mà bất chấp hậu quả.

Từ cố tình lôi kéo, chỉ trích người khác, đạt đến mục đích những hội nhóm này sẽ được rao bán trong ngỡ ngàng. Group anti "nữ hoàng đạo lý" Hương Giang từng gây sốt một thời với số lượng thành viên khủng vào cuối năm 2020. Sau khi sóng gió của Hương Giang đi qua thì group này bỗng chống đổi tên thành “Thực đơn ăn dặm cho bé”. Mới đây, nhiều group antifan của hoa hậu Ý Nhi cũng được lập ra trên nền tảng gốc là các hội nhóm có sẵn từ nhiều năm trước. Và hiện đang có nghi vấn những group này cũng đang được rao bán.

Thực tế, đã có không ít những vụ việc trục lợi từ các hội nhóm đã được lực lượng phát hiện và xử lý. Theo đó, giữa năm 2022, cơ quan cảnh sát điều tra, công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Vũ Văn Đức. sinh năm 2.000 trú tại Phú Thọ về tội cưỡng đoạt tài sản. Theo đó, Đức đã lập nhiều tài khoản Facebook ảo rồi xin gia nhập làm quản trị viên các nhóm antifan, trang fanpage có số lượng người theo dõi lớn, sau đó đăng các bài viết bịa đặt thông tin nhằm bôi nhọ uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm các diễn viên, người nổi tiếng, từ đó cưỡng đoạt tài sản.

Hay như trước đó, năm 2020, nghệ sĩ Trấn Thành đã mời luật sư và trực tiếp đối chất khởi tố 2 tài khoản đăng thông tin anh sử dụng chất kích thích trái phép và kiên quyết khởi kiện 2 người này.

Không ít người nổi tiếng từng lao đao trước sự tẩy chay của các hội nhóm antifan. Điều này một mặt nhắc nhở những người nổi tiếng phải giữ mình, nhưng mặt khác cũng là tiếng chuông báo động cho các hành vi phê phán phản cảm, thiếu chuẩn mực từ một bộ phận cộng đồng mạng. Và đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn lại những quy định của pháp luật về những hành vi đi ngược lại văn hóa ứng xử trên môi trường mạng.

Có thể nói, việc chê bai, chửi bới, thoái mạ đến mức vi phạm pháp luật chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định. Nhưng xét đến cùng mọi quy định mang tính bắt buộc chỉ là công cụ cảnh báo, răn đe. Quan trọng nhất vẫn là ý thức cá nhân của mỗi người khi tham gia sử dụng mạng xã hội. Do vậy, mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần hết sức cẩn trọng để tránh trở thành những con mồi cho các đối tượng bất chính trục lợi.