Vừa qua, Chính phủ đã có báo cáo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao để thích ứng với bối cảnh mới, qua đó góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Sự cấp bách trong việc hỗ trợ đầu tư công nghệ cao
Cuối tháng 8/2023, tại Tờ trình số 414/TTr-CP, Chính phủ đã chỉ rõ: Mục tiêu xây dựng chính sách này nhằm bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư; đồng thời phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước là ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Đây là phản ứng cần có, nhất là trong bối cảnh một số chính sách thuế quốc tế dự kiến được thực thi trên diện rộng vào đầu năm 2024, sẽ ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, hầu hết các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã có động thái rõ ràng về kế hoạch triển khai quy tắc thuế mới sẽ áp dụng từ năm 2024 này. Đồng thời, các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài với Việt Nam trong khu vực đã và đang nghiên cứu, ban hành những hình thức ưu đãi đầu tư mới, vượt trội nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh, duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc mở rộng đầu tư của các dự án hiện hữu cũng có nguy cơ giảm sút trong khi Việt Nam đặt mục tiêu vốn thực hiện 20-30 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2021-2025; 30-40 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2026-2030. Nguyên nhân do rất nhiều dự án quy mô lớn đang thuộc ngành công nghệ cao, ngành ưu đãi đầu tư với mức thuế suất thấp hơn 15%. Nếu áp dụng mức thuế là 15%, thì những lợi ích mang lại từ chính sách ưu đãi thuế mà các công ty này được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn nữa, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Bảo vệ các nguồn vốn đầu tư chất lượng cao
Thực tế trên đặt ra vấn đề nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi khung pháp lý về thuế, ưu đãi đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế là hết sức quan trọng và cấp bách, trong khi vẫn đảm bảo được các lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Các nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty đa quốc gia đầu tư dự án mới cũng như mở rộng tại Việt Nam một phần chủ yếu là do sự ổn định của môi trường đầu tư cũng như cam kết về chính sách bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi luật pháp chính sách.
Trên thực tế, sự có mặt của các tập đoàn công nghệ cao lớn như Samsung, LG, Canon, Intel…đã tạo ra những cú hích giúp kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Việc đồng hành và hỗ trợ cho các doanh nghiệp này trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều sự thay đổi là cần thiết để các doanh nghiệp “đầu tàu” này không rời đi và tiếp tục gia tăng đầu tư tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp, sẽ có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động và kéo theo sự sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác; đồng thời giảm động lực đầu tư của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Singapore nhấn mạnh: Chính phủ có thể cân nhắc xác định các nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư lớn, có hoạt động R&D và công nghệ cao để đưa ra các phương án ưu đãi, hỗ trợ hiệu quả. Ví dụ như hỗ trợ trực tiếp để các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực ở các địa phương mà các nhà đầu tư đó hoạt động, hỗ trợ nâng cấp các ngành công nghiệp bản địa phụ trợ cho các nhà đầu tư chiến lược đó, hỗ trợ nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo quốc gia.