Hình ảnh tam quan chùa cổ nổi tiếng Bắc Giang trở thành biểu trưng du lịch

TPO - Ban tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng và khẩu hiệu du lịch tỉnh Bắc Giang đã chọn hình ảnh tam quan chùa Vĩnh Nghiêm biểu trưng du lịch của tỉnh này.

Theo đó, Ban tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch tỉnh Bắc Giang đã quyết định trao 2 giải Nhất cho 2 tác phẩm.

Đó là logo của tác giả Lê Ngạt (ở TPHCM) với hình ảnh tam quan chùa Vĩnh Nghiêm và khẩu hiệu “Du lịch Bắc Giang - Điểm hẹn tinh hoa” của tác giả Võ Duy Hiệp (ởThừa Thiên - Huế).

Biểu trưng du lịch Bắc Giang có đường nét, bố cục cân đối cách điệu tam quan chùa Vĩnh Nghiêm; sử dụng các màu từ xanh, vàng, nâu, đỏ, hồng ở các sắc thái đậm, nhạt khác nhau lấy ý tưởng từ những dãy núi trùng điệp của Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử và trang phục của người quan họ.

Khẩu hiệu “Du lịch Bắc Giang - Điểm hẹn tinh hoa” bảo đảm nhiều tiêu chí như ngắn gọn, dễ nhớ, gây ấn tượng, gợi nét đặc trưng của Bắc Giang.

Hình ảnh tam quan chùa cổ nổi tiếng Bắc Giang trở thành biểu trưng du lịch ảnh 1

Biểu trưng và khẩu hiệu du lịch tỉnh Bắc Giang.

Cuộc thi được phát động từ tháng 5/2023 đến ngày 30/11/2023. Ban tổ chức nhận được 272 tác phẩm dự thi của 46 tác giả, nhóm tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Qua chấm sơ loại, hội đồng giám khảo đã lựa chọn 5 tác phẩm biểu trưng, 5 khẩu hiệu tiêu biểu vào vòng chung khảo để lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhân dân toàn tỉnh Bắc Giang và xét chọn 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.

Tác phẩm đoạt giải Nhất được lựa chọn làm biểu trưng và khẩu hiệu du lịch Bắc Giang giúp nhận diện thương hiệu du lịch, được chính thức sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác đối nội, đối ngoại của tỉnh.

Chùa Vĩnh Nghiêm có tên gọi khác là chùa Đức La (tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự), tọa lạc tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, đến thế kỷ XIII được Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng thành trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.