Hành trình ‘biến chất’ thành phiên bản 3.0 đáng sợ của Mark Zuckerberg: Từ mọt sách thiên tài, con cưng của Thung lũng Silicon đến CEO tàn nhẫn, đầy toan tính

Vào đầu tháng 7, Mark Zuckerberg đã tiết lộ “sản phẩm” mới nhất và có lẽ là quan trọng nhất trong lịch sử của Meta: Mark Zuckerberg phiên bản 3.0.

Hành trình ‘biến chất’ thành phiên bản 3.0 đáng sợ của Mark Zuckerberg: Từ mọt sách thiên tài, con cưng của Thung lũng Silicon đến CEO tàn nhẫn, đầy toan tính - Ảnh 1.

Mark Zuckerberg mới có thân hình 6 múi, đai xanh môn võ jujitsu của Brazil và đã đồng ý với lời thách đấu của Elon Musk. Tỷ phú 39 tuổi nhanh chóng tung ra Threads - bản sao của Twitter, vào thời điểm Twitter suy yếu nhất.

Có thể nói, Zuckerberg đã không khoan nhượng trong thời điểm yếu kém nhất của Meta, sa thải hàng chục nghìn nhân viên trong năm qua với toan tính đầy lạnh lùng.

Giờ đây, Zuckerberg đang cai quản đế chế của mình với tinh thần thép. Thay vì thường xuyên có mặt tại trụ sở Menlo Park, ông chủ Meta hiện chủ yếu tham gia các cuộc họp qua Zoom từ dinh thự ở California hoặc Hawaii. Còn khi xuất hiện tại văn phòng, Zuckerberg thường được vệ sĩ theo sát.

Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi phiên bản mới này của Zuckerberg đến từ đâu và điều gì đã xảy ra với những phiên bản ngày trước có phần nhẹ nhàng hơn của người đàn ông này?

Cập nhật “phiên bản Zuckerberg” mới

Hành trình ‘biến chất’ thành phiên bản 3.0 đáng sợ của Mark Zuckerberg: Từ mọt sách thiên tài, con cưng của Thung lũng Silicon đến CEO tàn nhẫn, đầy toan tính - Ảnh 2.

Mark Zuckerberg "cập nhật" phiên bản mới trong nỗ lực cứu Meta (Ảnh: Olhar Digital).

Trên thực tế, sự nâng cấp lên phiên bản mới của Zuckerberg là hoàn toàn có cơ sở. Đây được coi là phản ứng sống còn đối với giai đoạn hỗn loạn nhất trong lịch sử 20 năm của Meta.

Trong 2 năm qua, TikTok đã thu hút thành công không ít người dùng của Facebook. Ngoài ra, việc Apple thay đổi cài đặt quyền riêng tư trên iPhone cũng khiến hoạt động kinh doanh quảng cáo sinh lời của Facebook bị suy yếu.

Sự rời đi của những nhân vật cốt cán của Meta như COO Sheryl Sandberg và CTO Mike Schroepfer khiến Zuckerberg bị cô lập hơn bao giờ hết. Trong khi đó, dự án vũ trụ ảo metaverse mà Zuckerberg khẳng định sẽ là tương lai của công ty, đã trở thành khoản lỗ lên tới 40 tỷ USD, gây ra sự hoài nghi của nhân viên công ty, nhà đầu tư và công chúng. Từ mùa thu năm 2021 đến mùa thu năm 2022, vốn hóa của Meta đã giảm tới 700 tỷ USD.

"Cậu ấy đang sợ hãi”, một người thân quen với Zuckerberg trong nhiều năm nói với Business Insider . Vì vậy, tỷ phú công nghệ đã coi bản thân như một vấn đề mã hóa cần được giải quyết, đưa vào một tính cách mới dựa trên kiểu lãnh đạo mà anh tin rằng Meta cần có để tồn tại.

Lần này, Zuckerberg đưa ra phiên bản theo kiểu CEO được Phố Wall ưa chuộng hơn là Thung lũng Silicon: Nhận lời khuyên từ các chuyên gia tư vấn quản lý, ủng hộ việc sa thải hàng loạt và coi trọng "hiệu quả" hơn tất cả. Mọi người bắt đầu gọi CEO Meta là “McKinsey Zuck”.

Một năm trước, Zuckerberg nói rằng việc điều hành Meta có cảm giác như thức dậy mỗi ngày và "bị đấm vào bụng". Nhưng giờ đây, McKinsey Zuck đang đáp trả với việc những cú đánh mà anh giáng xuống sẽ có tác động to lớn không chỉ đối với tương lai của công ty mà còn đối với ngành công nghệ.

“Zuckerberg đang bật chế độ chiến đấu để cứu công ty”, một cựu nhân viên cấp cao của Meta cho biết.

Phiên bản đầu tiên

Phiên bản đầu tiên của Zuckerberg là “Harvard Zuck” – thần đồng đã sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới khi là sinh viên năm thứ 2. “Harvard Zuck” là một gã mọt sách thuần túy, từng tuyên bố Facebook sẽ "làm cho thế giới cởi mở hơn" và "những người trẻ tuổi ngày càng thông minh hơn". Anh đặt ra phương châm hoạt động của công ty là "phát triển nhanh và phá vỡ mọi thứ".

Tuy nhiên, bên dưới vẻ non trẻ bộc trực lại ẩn chứa tâm lý kinh doanh khốc liệt, nổi tiếng nhất được thể hiện qua cách thức tàn nhẫn và có tính toán mà Zuckerberg loại bỏ một nhà đồng sáng lập chủ chốt của Facebook. Dù vậy, “Harvard Zuck” vẫn là một sinh viên đại học đang dấn thân vào thế giới công nghệ rộng lớn.

Hành trình ‘biến chất’ thành phiên bản 3.0 đáng sợ của Mark Zuckerberg: Từ mọt sách thiên tài, con cưng của Thung lũng Silicon đến CEO tàn nhẫn, đầy toan tính - Ảnh 3.

Mark Zuckerberg thời là sinh viên Đại học Harvard (Ảnh: NYT).

Trong quá trình đó, anh đã cài đặt một số bản cập nhật đối với tính cách của mình. Năm 2009, Zuckerberg bắt đầu đeo cà vạt đi làm nhằm báo hiệu cho mọi người ở Facebook rằng mình đã trưởng thành và hoàn toàn nghiêm túc.

Phiên bản thứ 2

Sau đó, bản nâng cấp đầy đủ, “Silicon Valley Zuck” được ra mắt năm 2012. Ngày 18/5, Facebook niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và chỉ một ngày sau, Zuckerberg kết hôn với bạn gái lâu năm Priscilla Chan.

Năm 2014, Zuckerberg tuyên bố thay đổi phương châm hoạt động của công ty từ "phát triển nhanh và phá vỡ mọi thứ" sang " phát triển nhanh với cơ sở hạ tầng ổn định”.

Nếu “Harvard Zuck” là một đứa trẻ nghĩ rằng sự hủy diệt là điều tuyệt vời thì “Silicon Valley Zuck” là một người chồng và người cha có nhiều thứ phải xây dựng và bảo vệ bằng mọi giá.

Ngay cả sau vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica, Zuckerberg cũng chưa bao giờ cảm thấy cần phải điều chỉnh tính cách của mình vì Facebook vẫn tiếp tục chiến thắng ở Phố Wall.

Từ năm 2012 đến năm 2021, số người dùng hàng tháng của Facebook đã tăng từ 1 tỷ lên 3,5 tỷ trên các nền tảng khác nhau và giá trị của công ty đã tăng vọt từ khoảng 100 tỷ USD lên mốc 1.000 tỷ USD. Điều đó đồng nghĩa với việc phiên bản “Silicon Valley Zuck” vẫn tốt cho sự phát triển chung.

Thế nhưng, một bản cập nhật phần mềm thực sự đã khiến “Silicon Valley Zuck” đau đầu. Với việc Apple phát hành bản cập nhật phần mềm mới vào tháng 4/2021, khoảng 1 tỷ người dùng iPhone trên toàn thế giới giờ đây sẽ có thể ngăn các ứng dụng như Facebook, Instagram và WhatsApp theo dõi hoạt động của họ cho mục đích quảng cáo.

Với vài tư đơn giản - "Yêu cầu ứng dụng không theo dõi" - Apple đã chặn đứng hoạt động kinh doanh quảng cáo khổng lồ của Facebook chỉ bằng một cú nhấp. Và hình thức quảng cáo nhắm mục tiêu dựa trên dữ liệu chiếm tới 98% doanh thu của công ty.

“Silicon Valley Zuck” đột nhiên phải đối mặt với vấn đề mà anh chưa từng giải quyết trước đây là doanh thu sụt giảm ở quy mô có thể đe dọa phá hủy đế chế. Tệ hơn nữa, phản ứng của Zuckerberg cho thấy anh không nghĩ ra cách nào hiệu quả để giải quyết vấn đề. Và đó là lúc Zuckerberg “thức tỉnh”.

“Silicon Valley Zuck” nhanh chóng giới thiệu metaverse với dự đoán lĩnh vực này sẽ tạo ra doanh thu hàng trăm tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Zuckerberg thậm chí còn đổi tên công ty thành Meta để chứng minh cho tầm nhìn về vũ trụ ảo của mình.

Hành trình ‘biến chất’ thành phiên bản 3.0 đáng sợ của Mark Zuckerberg: Từ mọt sách thiên tài, con cưng của Thung lũng Silicon đến CEO tàn nhẫn, đầy toan tính - Ảnh 4.

Mark Zuckerberg phiên bản “Silicon Valley Zuck” (Ảnh: OIndia).

Khi “Silicon Valley Zuck” dốc toàn lực vào metaverse, quy mô công ty đã tăng vọt. Lực lượng lao động của Meta tăng từ dưới 50.000 nhân viên vào đầu năm 2020 lên gần 90.000 vào giữa năm 2022. Và chức danh CEO của Zuckerberg, từ chỗ cách xa quản lý cấp trung vài bậc giờ đã cách tới ít nhất 10 bậc.

Trong phần lớn thời gian của năm 2022, Zuck vẫn duy trì thái độ làm việc như thường lệ nhưng bị ám ảnh bởi metaverse dù dự án này không được đánh giá cao.

Bị ảnh hưởng bởi những khoản lỗ vốn đã rất lớn của Meta vì metaverse và lần đầu tiên tăng trưởng doanh thu chậm lại, Zuckerberg buộc phải đưa ra quyết định đóng băng tuyển dụng đối với các kỹ sư - động thái chưa từng có trước đây.

Và trong bối cảnh lạm phát tăng cao, suy thoái kinh tế rình rập, các nhà đầu tư không còn quan tâm đến “Silicon Valley Zuck” nữa mà muốn có những CEO trách nhiệm, điều hành công ty hiệu quả và có lãi.

Phiên bản thứ 3

Giữa lúc chứng khoán hỗn loạn và các giám cấp cao rời đi, có một kiểu người mới đã thu hút được sự chú ý của Zuckerberg. Dù kiểu này khác xa so với “Harvard Zuck” hay “Silicon Valley Zuck” nhưng lại giúp tạo ra phiên bản Zuckerberg 3.0 tàn nhẫn hơn.

Trước công chúng, Zuckerberg tiếp tục thể hiện sự tự tin rằng hàng chục tỷ USD chi cho metaverse là xứng đáng. Nhưng phía sau, Meta đã lặng lẽ thuê Bain & Company để phân tích chi phí của công ty. Động thái đó báo hiệu sự thay đổi không chỉ trong Meta mà còn trong suy nghĩ của CEO.

Hành trình ‘biến chất’ thành phiên bản 3.0 đáng sợ của Mark Zuckerberg: Từ mọt sách thiên tài, con cưng của Thung lũng Silicon đến CEO tàn nhẫn, đầy toan tính - Ảnh 5.

Mark Zuckerberg đang làm mọi cách để cải thiện hoạt động kinh doanh của Meta (Ảnh: Getty).

Ngay sau khi Bain tham gia, tháng 5/2022, Meta tuyên bố đóng băng tuyển dụng. Đến tháng 7, nhân viên công ty được thông báo về việc các nhà quản lý đang xác định những người có hiệu suất thấp.

Trong buổi công bố thu kết quả kinh doanh hàng quý vào tháng đó, dấu hiệu đầu tiên của Zuckerberg 3.0 - “McKinsey Zuck” đã xuất hiện. Zuckerberg tuyên bố rằng nhân viên cần "hoàn thành nhiều việc hơn với ít nguồn lực hơn" và rằng một số nhóm nhất định sẽ bị thu hẹp. Sự thận trọng có tính toán trước này hoàn toàn trái ngược với “Silicon Valley Zuck”.

Đến ngày 9/11 năm ngoái, Zuckerberg thông báo Meta sẽ sa thải 11.000 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động của công ty.

2 ngày sau, trong buổi họp toàn công ty, Zuckerberg đã trả lời câu hỏi của nhân viên về vấn đề này đồng thời bày tỏ sự xúc động và hối lỗi khi sa thải hàng loạt. Đó dường như là lần xuất hiện cuối cùng của “Silicon Valley Zuck” – người luôn muốn làm hài lòng tất cả mọi người.

Trong suốt 3 tháng sau lần sa thải đầu tiên, Zuckerberg đã rất tích cực trong việc cắt giảm chi phí, từ phúc lợi cho nhân viên đến đưa ra yêu cầu khắt khe hơn về hiệu suất. Đầu năm 2023, Zuckerberg tuyên bố 2023 sẽ là "Năm hiệu quả" của Meta.

Tính cách mới, tàn nhẫn hơn của Zuckerberg đã được thể hiện vào tháng 3 năm nay, khi anh thông báo Meta sẽ sa thải thêm 10.000 nhân sự nhưng không đưa ra lời xin lỗi như lần trước. Tháng 6, Meta yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng làm việc và đến tháng 7, công ty tuyên bố việc thăng tiến sẽ trở nên khó đạt được hơn.

“McKinsey Zuck” đã định hình lại toàn bộ cấu trúc công ty và phiên bản mới này được đánh giá là có thể gây ra hậu quả đối với xã hội. Tuy nhiên, Zuckerberg 3.0 đã được chào đón và đánh giá cao từ nhóm mà Zuckerberg đang ưu tiên là các cổ đông. Đến nay, cổ phiếu của công ty đã tăng 150% và vẫn tiếp tục tăng.

Trong hiện thân mới nhất của mình, quyền lực của Zuckerberg tại Meta đang trở nên tuyệt đối hơn bao giờ hết. Tại một cuộc họp vào tháng 4, Zuckerberg khẳng định trách nhiệm đối với mọi thứ xảy ra tại Meta hiện chỉ thuộc về mình.

Business Insider