Hà Nội nghiên cứu đưa công trình Pháp cổ phục vụ khách du lịch

TPO - Khu vực Hoàn Kiếm bảo tồn, cải tạo các khách sạn hiện có, hạn chế phát triển nhà cao tầng theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt. Khu vực này sẽ được nghiên cứu khai thác hệ thống nhà cổ, khôi phục lại các kiến trúc nhà ở cũ của Pháp hình thành loại hình lưu trú kết hợp nhà dân cư để khai thác các công trình phố cổ và công trình kiến trúc Pháp.

Hà Nội nghiên cứu đưa công trình Pháp cổ phục vụ khách du lịch ảnh 1

Một công trình có dấu ấn thiết kế Pháp tại Hà Nội.

Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho biết, dự kiến 9 tháng đầu năm nay, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 13,87 triệu lượt khách, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 766,4 nghìn lượt, du lịch nội địa là 13,1 triệu lượt khách. Tổng thu đạt khoảng 36,69 nghìn tỉ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm sẽ tập trung tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh du lịch và đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.

Công tác xây dựng sản phẩm du lịch cũng như hợp tác xúc tiến thị trường cũng được đẩy mạnh trong thời gian tới. Dự kiến sẽ có các sản phẩm du lịch mới, độc đáo theo thế mạnh của địa phương như sản phẩm du lịch mạo hiểm (bay khinh khí cầu ở Ba Vì, bay dù lượn ở Chương Mỹ…).

Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết thêm, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành du lịch vào GRDP Thành phố phấn đấu đạt trên 8%. Công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 55%.

Hà Nội nghiên cứu đưa công trình Pháp cổ phục vụ khách du lịch ảnh 2

Công trình biệt thự Pháp cũ tại quận Hoàn Kiếm đang được sửa chữa, cải tạo phục vụ khách thăm quan

Hà Nội cũng xác định các khu vực kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực khách sạn. Theo Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú như sau: Không phát triển cơ sở lưu trú nhà nghỉ quy mô nhỏ dưới 10 phòng, ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú cao cấp từ 3 sao trở lên và loại hình du lịch lưu trú ở nhà dân (homestay) tại các cụm du lịch (nếu điều kiện cho phép),

Cụ thể, khu vực Hoàn Kiếm bảo tồn, cải tạo các khách sạn hiện có, hạn chế phát triển nhà cao tầng theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt. Nghiên cứu khai thác hệ thống nhà cổ, khôi phục lại các kiến trúc nhà ở cũ của Pháp hình thành loại hình lưu trú kết hợp nhà dân cư để khai thác các công trình phố cổ và công trình kiến trúc Pháp.

Khu vực quận Tây Hồ và Ba Đình tập trung phát triển mới khách sạn cao cấp với quy mô lớn.

Khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm phát triển đa dạng hệ thống cơ sở lưu trú, đặc biệt là khách sạn tại các khu vực định hướng phát triển hệ thống công trình công cộng hỗn hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở...

Khu vực Sơn Tây - Ba Vì tập trung phát triển mới hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng từ các khu nghỉ dưỡng đến khách sạn, homestay... phù hợp định hướng thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư các khu, điểm du lịch mới đầu tư xây dựng. Chú trọng phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Sơn Tây - Ba Vì...