Gửi con chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt: Lý do chi số tiền lớn mà không biết nơi điều trị

Theo lời kể từ ông N, trước khi gia đình giao đứa con bị chậm phát triển trí tuệ cho ông L.M.Q chữa bệnh, người này đã tạo vỏ bọc rất tinh vi, khoe có trình độ kiến thức về chuyên ngành Tật học được đào tạo từ Anh quốc, thường ở khách sạn hạng sang mỗi lần về Huế, khoe tài sản có cả trăm tỷ đồng…

Vỏ bọc tinh vi?

Trong vụ việc cháu bé N.L.M.Q (SN 2019) được gia đình anh N.H.N (ngụ tại TP Huế) nhờ ông L.M.Q (SN 1977, trú tại đường Nguyễn Bính, phường Xuân Phú, TP Huế; tạm trú tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) chữa bệnh chậm phát triển, sau đó bàng hoàng nhận về hũ tro cốt , dư luận không khỏi băn khoăn về những uẩn khúc, góc khuất phía sau. Một trong số các câu hỏi được đặt ra đó là, vì sao gia đình lại quá tin tưởng giao con cho người khác chăm sóc, với chi phí chữa bệnh rất lớn, lên tới 200 triệu đồng/tháng mà không biết địa chỉ cơ sở điều trị, không có người thân của cháu bên cạnh trong suốt quá trình điều trị...

Vụ gửi con chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt: Lý do gia đình chi số tiền lớn mà không biết nơi điều trị - Ảnh 1.

Gia đình ông N.H.N. cho biết, đã quá tin tưởng vào vỏ bọc tinh vi của ông L.M.Q, nên giao con cho người này chữa trị. Ảnh do gia đình cung cấp.

Theo ông N.H.N. (bố của cháu N.L.M.Q), việc gia đình ông đưa con đến Lâm Đồng rồi tin tưởng giao cho người khác chữa bệnh là có lý do.

Ông N. cho biết, trước khi gia đình giao con cho ông Q. chữa bệnh, giữa hai người đã có mối quan hệ thân tình, được xây dựng trong thời gian dài (hơn 5 năm), thường xuyên qua lại với nhau và xem như anh em.

Thời điểm đó vợ chồng ông N. chưa sinh cháu M.Q và được nhiều người giới thiệu rằng, ông Q. có khả năng chữa trị bệnh chậm phát triển cho trẻ và từng chữa trị cho nhiều người.

Ông N. cho hay, qua các cuộc trò chuyện, ông Q. luôn tạo vỏ bọc rất tốt, như tỏ ra thương yêu trẻ em, bên cạnh ông ấy lúc nào cũng có một đứa trẻ.

Ngoài ra, ông Q. còn khoe bản thân có tài sản lên đến cả trăm tỷ đồng, mua cây nhiều tiền và có cả vườn cây cảnh ở Huế rất có giá trị. Mỗi lần ra Huế, ông Q. đều thuê phòng tại các khách sạn hạng sang để lưu trú.

Đặc biệt, ông Q. còn có khả năng nói tiếng Anh rất tốt. Ông L.M.Q. từng “nổ” với ông N, bản thân từng học ở Anh về chuyên ngành Tật học, cũng như từng học ở khoa Tâm lý của một trường đại học ở Huế.

“Với vỏ bọc đó, nên gia đình tôi rất tin tưởng. Khi cháu M.Q. (sinh năm 2019) được gần 3 tuổi, gia đình phát hiện cháu có dấu hiệu chậm nói, chậm đi nên đã kể lại với ông Q. Tôi có hỏi ông Q. về con mình như vậy có bị sao không, thì nhận được câu trả lời như vậy là nguy hiểm, nên điều trị càng sớm càng tốt và dần lôi kéo tôi vào sự việc”, ông N. nhớ lại.

Vụ gửi con chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt: Lý do gia đình chi số tiền lớn mà không biết nơi điều trị - Ảnh 2.

Ông L.M.Q trong lần đến viếng tang cháu M.Q tại nhà ông N.H.N. Ảnh do gia đình cung cấp

Thương con và cả tin

Sau khi được ông L.M.Q nhận chữa trị, vào đầu năm 2022, vợ chồng ông N. trực tiếp đưa con trai cùng người con gái (SN 2015) vào Đà Lạt gặp ông Q. và người phụ nữ đi cùng ông Q. tại một khách sạn.

Tại đây, ông Q. “chẩn đoán” cháu M.Q bị bệnh chậm phát triển trí tuệ, rồi đề nghị vợ chồng ông N. về Bảo Lộc - nơi ông Q. “khoe” có cơ sở điều trị như biệt thự để kiểm tra kỹ hơn. Nhưng khi gia đình ông N. đưa con trai về Bảo Lộc và nghỉ lại tại một khách sạn, ông Q. đặt ra “quy tắc” riêng, gia đình ông N. không được phép biết nơi ông Q. điều trị bệnh. Cũng theo lời kể từ ông N, ông Q. nói rằng, ông chữa bệnh với phương pháp riêng nên không cho người nhà tiếp cận nơi chữa trị của cháu. Cũng vì quá tin tưởng với vỏ bọc do ông Q. tạo ra, nên gia đình cũng không đề nghị được thăm cơ sở điều trị nữa và giao cháu cho ông này chăm sóc, điều trị.

Ông Q. sau đó đưa gia đình ông N. đi ăn cơm niêu, uống cà phê tại Bảo Lộc. Cũng tại đây, ông Q. trực tiếp tiếp xúc và khẳng định con trai ông N. bị chậm phát triển trí tuệ cần phải điều trị trước 3 tuổi mới sớm lành được. Thời gian điều trị là 2-3 năm, chi phí điều trị 200 triệu đồng/tháng và phải đặt cọc trước 600 triệu đồng.

Với chi phí này, phía ông Q. nói cháu M.Q sẽ được một ê kíp điều trị gồm: 1 tài xế riêng, 1 xe ô tô để chở cháu đi lại những nơi cần thiết, 1 nhân viên dinh dưỡng, 1 cô trợ lý chăm sóc ngủ lại bên cháu, cùng điều kiện chăm sóc, bảo vệ cháu an toàn 24/24 giờ, kể cả lúc ngủ.

Ông Q. còn “nổ”, cơ sở điều trị cho cháu M.Q như biệt thự, có đầy đủ tiện nghi, các thiết bị hỗ trợ điều trị, không gian sân vườn cây xanh, căn phòng của cháu được thiết kế rất khoa học để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cháu.

Mặc dù chi phí lớn, song vì thương con, gia đình ông N. đã phải xoay xở để đưa trước 600 triệu đồng cho ông Q. "Những khoản thanh toán tiếp theo, gia đình hy vọng cháu sẽ sớm lành bệnh nên đỡ tốn kém hơn. Gia đình tiếp tục tìm cách thu xếp nếu việc điều trị có kết quả" - ông N. nói.

Gần 1 tháng sau khi gửi con cho ông Q. chữa trị, ông N. nhận được điện thoại của ông Q. nói rằng, xin được ra gặp trực tiếp gia đình ở TP Huế. Khi gặp, ông Q. thông báo với gia đình là cháu M.Q. đã mất vì mắc COVID-19. Ông Q còn nói, do lo sợ quá trình chuyển thi thể cháu từ Lâm Đồng ra đến TP Huế bị phân hủy nên ông này đã tự ý dùng củi thiêu thi thể cháu Q. rồi lấy tro cốt đưa ra Huế cho gia đình lo hậu sự. Ông Q. cũng xin chịu chi phí làm đám tang và xin trả lại cho gia đình số tiền 600 triệu đồng đã nhận trước đó.

Vụ gửi con chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt: Lý do gia đình chi số tiền lớn mà không biết nơi điều trị - Ảnh 3.

Ông N.H.N (ảnh) và gia đình mong muốn, Cơ quan CSĐT sớm làm rõ nguyên nhân cái chết đầy uẩn khúc của con mình. Ảnh: N.V

Vì sao từng rút đơn tố cáo?

Nói về lý do vì sao từng rút đơn tố giác ông Q . sau cái chết của con, ông N. cho biết: “Vì tôi sợ sau biến cố, nếu ông bà nội cháu M.Q biết được sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, một phần tôi vẫn còn tin con mình bị COVID-19 nên mất như lời ông Q. nói, nên tôi từng rút đơn tố cáo”.

Tuy nhiên, sau khi lo chu toàn hậu sự cho cháu M.Q, có thời gian phân tích những điểm bất thường, nên gia đình ông N.H.N. đã vào Lâm Đồng để tìm hiểu sự việc.

Theo đó, ông N. đã tìm đến địa chỉ căn nhà số 54/39 Phan Chu Trinh (phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) thì “tá hỏa” phát hiện nơi mà ông Q. dùng làm cơ sở chữa trị cho con trai mình thực tế chỉ là một ngôi nhà cấp 4 được ông Q. thuê lại của một người dân, chứ không phải là “căn biệt thự” đầy đủ tiện nghi như lời ông Q. “nổ” trước đó.

Ngoài ra, qua tìm hiểu, những khu vườn mà ông Q. “khoe” rằng là của mình thực chất là của người khác và ông chỉ gửi vài ba cây cảnh của mình vào đó.

“Sau khi tận mắt chứng kiến ngôi nhà mà ông Q. cho là biệt thự để điều trị cho cháu M.Q, cũng như những thông tin tìm hiểu được, lúc này chúng tôi mới vỡ lẽ ông Q. có biểu hiện là kẻ lừa đảo, nên gia đình đã làm đơn tố cáo để không có thêm nạn nhân nào bị mắc bẫy”.

Gia đình ông N.H.N cho biết, hiện họ từng ngày mong đợi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng sớm giám định tro cốt mà ông L.M.Q. đưa về Huế có phải là con trai của mình; cũng như yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân cái chết đầy uẩn khúc của con trai ông.