Đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới

Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) không chỉ là nơi kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam mà còn là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới trong việc trao đổi, chia sẻ những thành tựu đổi mới sáng tạo tiêu biểu.

Đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới - Ảnh 1.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập ngày 2/10/2019 với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Qua gần 4 năm vận hành và phát triển, Trung tâm ngày càng khẳng định vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, bám sát các nhiệm vụ về hỗ trợ, nâng cao năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Từ năm 2021, Trung tâm đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cải tạo, đưa vào vận hành cơ sở hoạt động tại Hà Nội ở Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy. Đây là nơi ươm tạo, hỗ trợ cho hàng chục các startups tiềm năng, các doanh nghiệp công nghệ, các đối tác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, giao Trung tâm tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam lần đầu tiên, kết hợp Lễ Khởi công xây dựng Cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Việc khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu CNC Hòa Lạc đã đánh dấu sự hình thành của trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất, hiện đại nhất cả nước (được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa).

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông, sau hơn 2 năm vượt qua thời điểm khó khăn do Đại dịch Covid 19, đến nay, các hạ tầng xây dựng đã cơ bản được hoàn thiện, đủ điều kiện để triển khai các hoạt động triển lãm, trưng bày sản phẩm công nghệ, hội thảo kết nối và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10/2023.

"Đây thực sự là niềm tự hào không chỉ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà còn là hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, cộng đồng đổi mới sáng tạo quốc tế về quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới", Thứ trưởng cho hay.

Đưa Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông. Ảnh: Việt Hùng

Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới

Tiếp nối thành công của Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam lần đầu tiên năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức Triển lãm năm 2023 (VIIE 2023) kết hợp Lễ Khánh thành Cơ sở của Trung tâm tại Khu CNC Hòa Lạc.

Đây không chỉ là nơi kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam mà còn là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới trong việc trao đổi, chia sẻ những thành tựu đổi mới sáng tạo tiêu biểu.

Với giá trị cốt lõi là: Hội tụ - Sáng tạo - Lan tỏa,  s  ự kiện dự kiến sẽ có tham dự của gần 300 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế, mang đến những sản phẩm, dịch vụ công nghệ hiện đại, có tính ứng dụng cao, được hàng triệu người tiêu dùng công nghệ quan tâm bình chọn.

Được biết, một số doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ quốc tế lớn như: Meta, Google, Samsung, SK, Siemens, VISA và các quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ: ThinkZone, BK Holdings, VSV Capital, BambooUp... cũng sẽ tham dự Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 và khánh thành cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 28/10/2023 đến ngày 1/11/2023 trong không gian gần 20.000m2 của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc và dự kiến đón tiếp hàng chục nghìn khách tham dự sự kiện.

Trong 5 ngày diễn ra Triển lãm sẽ có các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới trong 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC, gồm: Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Truyền thông số, Công nghệ môi trường, An ninh mạng, Công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và Y tế.

Bên cạnh đó, sẽ có nhiều chương trình, hoạt động nổi bật khác như: trình diễn công nghệ nổi bật, Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, Diễn đàn ngành công nghiệp game khu vực, Hội thảo ngành Công nghiệp bán dẫn, Hội thảo Năng lượng và môi trường, Ngày hội STEAM cho học sinh, sinh viên, và chương trình Đại nhạc hội trao giải Better Choice Awards do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Công ty VCCorp phối hợp thực hiện.

Theo Phó Tổng Giám đốc VCCorp Nguyễn Đăng Ngọc, việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ đóng góp một phần mạnh mẽ trong việc phát triển ngành công nghệ của đất nước.

“Là một trong những đơn vị đồng hành cùng NIC trong việc tổ chức Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cũng như thực hiện Triển lãm quốc tế VIIE 2023, chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa sự kiện không chỉ lan tỏa với quy mô trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Đồng thời, cùng với NIC, chúng tôi cũng sẽ kêu gọi các nguồn lực trong và ngoài nước phối hợp, hỗ trợ để sự kiện được tổ chức thành công”, vị đại diện VCCorp phát biểu tại buổi họp báo.

Có thể nói, đây sẽ là sự kiện tiêu biểu về đổi mới sáng tạo của Việt Nam, mang lại các giá trị lớn cho các đối tác, các thành phần tham dự, thúc đẩy cơ hội hợp tác, chia sẻ kiến thức, đồng thời tạo ra một môi trường kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng rằng đây sẽ là một sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa lớn cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nói riêng, cho môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung. Với tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn cùng đồng hành với các chủ thể của hệ sinh thái trên hành trình đổi mới sáng tạo, thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Quốc gia để biến các nguồn lực thành các cơ hội, lan tỏa lợi ích tới doanh nghiệp và cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh.