Đón làn sóng du khách Trung Đông, Ấn Độ

Tại hội thảo "Thúc đẩy thị trường khách du lịch Trung Đông và Ấn Độ", do Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch TP HCM tổ chức ngày 9-9, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) và chuyên gia đều nhận định Việt Nam cần sớm có chiến lược, giải pháp đón đầu nguồn khách mới, tiềm năng này. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM 2022 (ITE HCMC 2022) đang diễn ra.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá Trung Đông và Ấn Độ là những thị trường có lượng khách ra nước ngoài du lịch tăng nhanh trong thời gian qua. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định đây là các thị trường tiềm năng quan trọng, cần ưu tiên mở rộng phát triển.

Đại diện các DN đang khai thác thị trường khách từ Ấn Độ, Trung Đông như Vietnam Airlines, Vietravel, Saigontourist Group… đều nhận định cơ hội từ thị trường này là rất lớn.

Đón làn sóng du khách Trung Đông, Ấn Độ - Ảnh 1.

Khách quốc tế trao đổi tại ITE HCMC 2022

Về điểm đến, TP HCM được đánh giá là một trong những điểm đến có nhiều lợi thế để đón khách Trung Đông, Ấn Độ, đặc biệt là khách MICE (khách đi hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch). Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, dẫn số liệu cho thấy năm 2019, lượng khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam đạt 169.000 lượt, ở tốp 16 thị trường gửi khách cao nhất đến Việt Nam, trong đó 73% số khách đến TP HCM. Mới đây, TP HCM cũng đón đoàn 460 khách MICE đến từ Ấn Độ, là đoàn khách MICE lớn nhất từ quốc gia này mà Việt Nam từng đón. "TP HCM sở hữu những tài nguyên du lịch phù hợp nhu cầu của du khách Trung Đông là tham quan các di sản thế giới, tìm cơ hội kinh doanh, du lịch văn hóa, tìm hiểu khám phá, trải nghiệm làm thủ công truyền thống, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe…" - bà Ngọc Hiếu nói.

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP HCM, nhận định việc mở nhiều đường bay thẳng với tần suất liên tục kết nối những thành phố lớn giữa Việt Nam và Ấn Độ đã kích thích nhu cầu du lịch của du khách. Câu chuyện hiện tại là làm sao thúc đẩy hoạt động du lịch nhiều hơn nữa, các DN Ấn Độ rất muốn đến và tìm hiểu thị trường Việt Nam sau khi có những đường bay thẳng. "Mỗi năm có khoảng 20 triệu lượt khách Ấn Độ đi nước ngoài và du khách mong muốn tìm kiếm các trải nghiệm, văn hóa ẩm thực mới. Xu hướng mới là nhiều cặp đôi sẵn sàng chi tiền để tổ chức đám cưới, trải nghiệm ở những điểm đến mới lạ, độc đáo… là một hướng để DN Việt Nam có thể nghiên cứu đón dòng khách này trong thời gian tới" - ông Madan Mohan Sethi gợi mở.

Theo ông Trần Đức Hùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Qatar, để thu hút du khách từ Trung Đông, cơ quan quản lý, DN lữ hành cần thường xuyên tổ chức chương trình hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế ở quy mô lớn, mời các DN lữ hành Trung Đông tham dự; tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam, như phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travel blogger, KOLs (nhân vật có sức ảnh hưởng) quảng bá du lịch Việt Nam… "Có thể thiết kế những chương trình du lịch riêng cho khách Ả Rập, bảo đảm yêu cầu về thực phẩm Halal, phòng cầu nguyện… Đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch biết tiếng Ả Rập để phục vụ khách từ các nước theo đạo Hồi" - ông Hùng nói.