Đối mặt với hội chứng buồn bã sau kỳ nghỉ

Trạng thái chán chường, thỉnh thoảng tiếc nuối về khoảnh khắc đẹp đã có trong chuyến du lịch vừa trải qua được gọi tên là "post vacation blue".

Du lịch thường được xem là nguồn động viên tinh thần để du khách tiếp tục với guồng quay công việc và cuộc sống bận rộn. Các chuyến đi càng có ý nghĩa hơn sau thời gian dài dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhiều người không thoát khỏi cảm giác buồn bã, chán nản sau kỳ nghỉ dưỡng dài. 4 mẹo dưới đây có thể giúp bạn đối phó với hội chứng này.

Lập kế hoạch làm việc

Du khách thường quá tải với một danh sách dài đầu việc cần làm ngay khi trở về nhà. Nhiều người lao thẳng vào công việc với tốc độ cực nhanh. Điều này càng khiến bạn cảm nhận rõ sự khác biệt giữa kỳ nghỉ và thực tế.

met moi sau chuyen di anh 1

Ảnh: Nick Morrison.

Thời gian và cường độ sinh hoạt của cơ thể khi du lịch và ở nhà sẽ khác nhau. Để tránh bị sốc khi thay đổi đột ngột, bạn hãy dành một ngày nghỉ ngơi, chuẩn bị tại nhà trước khi quay trở lại làm việc. Đó là lời khuyên của TS Andrea Bonior, một nhà tâm lý học lâm sàng.

"Tôi thường thấy nhiều người rơi vào tình huống khó khăn, chán nản khi quay lại guồng sống cũ sau kỳ nghỉ. Đây là dấu hiệu của hội chứng 'buồn bã hậu du lịch' hay 'post vacation blue'.

Hôm qua bạn còn đang tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời trên bãi biển, bây giờ đã ở văn phòng. Nếu có thể, du khách nên cố gắng lên kế hoạch cho một ngày đệm. Bạn có thể nghỉ ngơi và dành chút thời gian điều chỉnh tâm trạng, làm quen với múi giờ nếu trước đó du lịch nước ngoài", cô nói.

Duy trì niềm vui của chuyến đi

TS Laurie Santos, giảng viên tâm lý học tại Đại học Yale (Mỹ), cho biết: "Hãy nhớ rằng kết thúc kỳ nghỉ không có nghĩa là kết thúc cuộc vui. Chúng ta có thể tìm cách để duy trì cảm giác du lịch tại nơi mình đang sống, làm việc. Bạn hãy thử dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên, đến một nhà hàng mới hoặc đi dạo khu phố nào đó".

TS Tracy Thomas, nhà tâm lý học và nhà khoa học cảm xúc, nói rằng điều quan trọng là phải xác định điều gì khiến bạn cảm thấy thoải mái khi đi chơi xa và cố gắng biến nó thành một phần trong cuộc sống hàng ngày.

"Trong kỳ nghỉ, bạn thấy thư giãn khi thức dậy sớm ngắm bình minh, đi dạo. Hãy thử làm điều đó khi trở về nhà", Thomas nêu giải pháp.

met moi sau chuyen di anh 2

Ảnh: Dessidre Fleming.

Chuyên gia này cũng gợi ý bạn nấu một số món ăn đã thưởng thức khi đi du lịch để tiếp tục có trải nghiệm mới mẻ: "Khi đến Italy, tôi đã ăn mì pomodoro và rất ấn tượng. Về nhà, tôi tiếp tục đặt hàng hoặc tự nấu món này tại nhà".

Lưu lại trải nghiệm

"Hãy dành chút thời gian để lưu lại những kỷ niệm vui vẻ trong chuyến du lịch của bạn", Santos khuyên. Bạn có thể tạo một album, nhật ký hoặc chỉ nhắc nhở bản thân về những điều tốt đẹp vừa trải qua.

Thay vì mãi nhung nhớ và tiếc nuối về chuyến đi trước, bạn hãy nghĩ về những trải nghiệm, kỷ niệm của kỳ nghỉ theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, bạn nên bắt đầu với việc chỉnh sửa ảnh, ghi chép lại những thứ hay ho của chuyến đi.

Điều này sẽ giúp tâm trạng du khách tích cực hơn cũng như rút ra kinh nghiệm đáng quý.

met moi sau chuyen di anh 3

Ảnh: Thought Catalog.

Tập luyện thể thao

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên là cách tốt để chống lại lo âu và trầm cảm.

Trên thực tế, theo một nghiên cứu công bố vào tháng 4 trên tạp chí JAMA Psychiatry, những người trưởng thành thực hiện các hoạt động tương đương với 1,25 giờ đi bộ nhanh mỗi tuần có nguy cơ trầm cảm thấp hơn 18% so với những người không tập thể dục.

met moi sau chuyen di anh 4

Ảnh: Emma Simpson.

"Tập thể dục không có nghĩa là bạn sẽ tránh khỏi bị trầm cảm nhưng nó giúp giảm nguy cơ", Bonior nói. Cô cho rằng du khách chỉ cần đi bộ nhẹ nhàng, không nhất thiết phải đến trung tâm chuyên nghiệp hay tập luyện với cường độ cao.

Thường xuyên luyện tập thể dục cũng giúp cải thiện giấc ngủ, giảm huyết áp, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Vì vậy, dù rất muốn giải quyết công việc sau kỳ nghỉ, bạn nên cố gắng ra ngoài luyện tập trước tiên.