Đến Côn Đảo xem rùa đẻ trứng

Trải nghiệm ngắm rùa đẻ trứng, nở được đánh giá thú vị bậc nhất khi tới Côn Đảo.

rua de trung,  rua Con Dao,  du lich Con Dao anh 1

Vào khoảng tháng 4-10 hàng năm, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm trọn vẹn quá trình chờ rùa đẻ, ấp trứng nở và thả rùa con về biển ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

“Xứ sở rùa”

Với tỉ lệ sống sót 1/1000, rùa biển được đưa vào sách đỏ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới để bảo tồn. Qua theo dõi bằng vệ tinh do Vườn Quốc gia Côn Đảo thực hiện, rùa đến đây đẻ là do di chuyển từ các vùng biển Phú Quý, Phú Quốc, Trường Sa, đảo Palawan (Philippines), đảo Pahang (Malaysia) và đảo Nautura (Indonesia).

Rùa biển có thói quen di cư lại về nơi sinh ra để đẻ trứng vì vậy việc bảo vệ gìn giữ môi trường có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn rùa biển.

Dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, Côn Đảo hiện có quần thể rùa biển rất lớn và cũng là bãi đẻ có lượng rùa biển lên làm tổ cao nhất Việt Nam. Số lượng trứng rùa biển sinh ra hàng năm ở đây chiếm 80% tổng số trên cả nước.

Tại Vườn Quốc gia Côn Đảo có khoảng 18 bãi biển có rùa lên đẻ trứng. Năm bãi có diện tích lớn và số lượng rùa mẹ lên đẻ nhiều nhất là hòn Bảy Cạnh, bãi Dương, hòn Cau, hòn Tre Lớn và hòn Tài. Trong đó, hòn Bảy Cạnh là khu vực rùa sinh sản nhiều nhất và còn là nơi bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam.

rua de trung,  rua Con Dao,  du lich Con Dao anh 2

Côn Đảo sở hữu nhiều bãi biển đẹp, thích hợp để rùa biển đẻ trứng. Ảnh: James Cao.

Hòn Bảy Cạnh là đảo lớn thứ 2 trong số 16 đảo trên địa bàn, nằm ở phía đông đảo Côn Sơn và gồm 2 phần đảo nối liền với nhau bằng bờ cát dài ở giữa gọi là Bãi Cát Lớn, bãi đẻ yêu thích của rùa biển. Bên cạnh đó, hòn Bảy Cạnh còn là khu bảo tồn rừng ngập mặn lớn của đảo với các loại gà rừng, sóc mun, chim biển,... và 24 loài thực vật ngập mặn khác.

Mùa sinh sản của rùa biển thường kéo dài khoảng tháng 4-10, cao điểm là tháng 7-9. Thời điểm này ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo thường tổ chức các tour xem rùa biển đẻ trứng và cũng cần thêm nguồn lực từ các tình nguyện viên để hỗ trợ quá trình sinh sản của loài động vật này.

Thức trắng đêm, im lặng chờ rùa đẻ

Hòn Bảy Cạnh thuộc khu vực bảo tồn của Vườn quốc gia Côn Đảo nên để đến được đây, du khách phải xin giấy phép tại Vườn quốc gia trên đảo lớn Côn Sơn. Sau khi có giấy phép, bạn có thể thuê tàu chạy ra hòn Bảy Cạnh.

Bạn cũng có thể đăng ký tour xem rùa đẻ, đơn vị tổ chức sẽ chuẩn bị các giấy phép cần có. Tuy nhiên, số lượng khách đăng ký thường sẽ bị giới hạn, ban ngày tối đa 48 khách và 24 khách vào ban đêm. Vào đợt cao điểm, du khách cần đặt chỗ từ sớm.

Các tour xem rùa thường xuất phát vào buổi chiều, ở cầu tàu du lịch Côn Đảo. Thời gian di chuyển bằng tàu cao tốc khá nhanh, chỉ khoảng hơn 20 phút bạn đã đến hòn Bảy Cạnh. Khi tham gia tour, du khách sẽ được trải nghiệm thêm một số hoạt động như lặn ngắm san hô, thăm rừng ngập mặn, bắt cua vào buổi tối,...

Ngoài tour xem rùa đẻ trứng, du khách còn có thể lựa chọn tour thả rùa con về biển. Tour này sẽ xuất phát vào buổi sáng sớm và kéo dài khoảng nửa ngày, phù hợp hơn với những người bận rộn.

Rùa đẻ trứng thường vào đêm muộn, nhân viên kiểm lâm thường dự đoán bằng cách quan sát bảng thủy triều. Để có thể tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình rùa sinh sản, du khách phải thức trắng đêm và theo dõi sát sao. Ngoài ra, canh rùa đẻ là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn cao. Quá trình sinh sản của rùa mẹ diễn ra khá lâu, khoảng vài tiếng đồng hồ.

rua de trung,  rua Con Dao,  du lich Con Dao anh 3

Rùa mẹ thường lên bãi cát đẻ trứng khi con nước xuống. Ảnh: Vinh Gấu.

Thông thường, du khách sẽ bắt đầu hành trình xem rùa đẻ trứng sau bữa cơm tối. Con nước lên cao cũng là lúc rùa mẹ chuẩn bị vào bờ đẻ trứng. Lúc này, bạn sẽ được nhân viên kiểm lâm và hướng dẫn viên thông báo di chuyển đến khu vực bãi đẻ của chúng.

Để đẻ trứng, rùa biển phải theo các bước sau: tìm bãi, đào tổ, đẻ trứng và lấp tổ xóa dấu vết. Sau khi lên cạn, rùa mẹ sẽ chọn chỗ cát không bị sụt lún, không có vật cản như đá ngầm, không quá gần mép nước để đào tổ đẻ trứng.

Rùa mẹ dùng hai chi trước quạt đất và hai chi sau đào lỗ để đẻ trứng. Mỗi lỗ rộng khoảng 20 cm, sâu khoảng 60 cm và chứa được cả trăm trứng.

Đặc tính sinh học của rùa biển rất nhạy cảm với tiếng động, ánh sáng nên tất cả các hoạt động phải diễn ra trong im lặng. Trong lúc rùa đẻ, du khách không được chiếu đèn vào mắt rùa và đứng ngay đầu rùa.

Sau khi đẻ xong, rùa mẹ sẽ lấp cát, xóa dấu vết, bảo đảm tổ trứng được an toàn rồi quay về biển. Đây cũng là lúc nhân viên kiểm lâm và du khách có thể đến tổ đẻ để xem trứng rùa.

Nhân viên kiểm lâm sẽ đào lại ổ của chúng bằng tay để lấy trứng và cho vào hồ ấp. Mọi thao tác phải diễn ra nhẹ nhàng, cẩn thận và nhanh chóng vì trứng cần được mang đi ấp trong vòng 6 tiếng kể từ khi rùa đẻ.

rua de trung,  rua Con Dao,  du lich Con Dao anh 4

Rùa con được nhân viên kiểm lâm và du khách thả về biển. Ảnh: Con Dao Experience.

Trứng rùa to bằng trái bóng bàn, có thể nở ở nhiệt độ 26 -32 độ C với thời gian trung bình khoảng 45-60 ngày. Rùa con có tập tính bầy đàn khá cao. Chúng thường chờ đợi tổ nở hết trứng rồi mới cùng nhau về với biển khơi. Để thả rùa con về biển, nhân viên kiểm lâm sẽ cho chúng vào giỏ và đưa xuống bờ cát khi con nước cao và mặt trời chưa gay gắt. Nếu ánh sáng chiếu vào mắt, rùa con có thể lạc đường.

Du khách cũng không được chạm tay vào cơ thể rùa con. Do nhiệt độ cơ thể con người cao, dễ gây bỏng nhiệt cho rùa con, các công đoạn bắt chúng bỏ vào rổ đều được phía nhân viên kiểm lâm thực hiện bằng cách sử dụng găng tay hoặc dụng cụ riêng.

“Đỡ đẻ” cho rùa biển là một sản phẩm du lịch độc đáo và mang nét riêng của Côn Đảo. Du khách có thể đưa hoạt động này vào chuyến đi sắp tới của mình.