Sáng 14-9, Ban Kinh tế Trung ương - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị "Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28-10-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW".
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Duy Hưng trình bày dự thảo báo cáo - Ảnh: Thành Trung
Tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, báo cáo tóm tắt dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 54. Theo đó, những năm qua, ĐBSH đã khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Một số địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước, đặc biệt Hải Phòng và Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn.
Kinh tế vùng tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỉ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, chiếm 31,4% tổng vốn FDI của toàn quốc. Đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng còn những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều các địa phương trong vùng. Quy hoạch không gian phát triển còn bất cập; tình trạng quy hoạch "treo" khá phổ biến; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu kết nối, chưa bền vững, quy hoạch đô thị có nhiều hạn chế...
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Chính phủ và Bộ ngành chức năng sớm hoàn thành thẩm định, lập phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSH đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho rằng quy hoạch là vấn đề rất lớn hiện nay mà thực tế là Hà Nội quy hoạch không chỉ cho Hà Nội mà cho trung ương và cho cả vùng.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, hiện nay rất lúng túng trong vấn đề quy hoạch bởi nếu thuê tổ chức nước ngoài lập quy hoạch cho Hà Nội hay các địa phương trong vùng cũng rất khó vì họ không hiểu văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Muốn giữ văn hiến đồng bằng Bắc bộ thì phải các bộ ngành cần phải vào cuộc giúp quy hoạch cho các địa phương.
"Quy hoạch vùng phải mang tính quyết định cả vùng và cho từng địa phương. Như Bắc Giang cho xây cầu rồi không nối được với Hà Nội vì do cầu do Bắc Giang tự làm mà Hà Nội thì chưa quy hoạch đường nối ở khu vực này. Câu chuyện quy hoạch vùng là câu chuyện quyết định sự phát triển và liên kết"- Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Phân tích thêm, ông Trần Sỹ Thanh nêu vị trí "nhà mặt tiền" kinh tế biển Hải Phòng - Quảng Ninh cần được tạo điều kiện để cho 2 tỉnh này phát triển, phát huy tối đa lợi thế "nhà mặt tiền". Từ đó, các tỉnh, thành xung quanh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên hay Hà Nội sẽ đóng góp vai trò gì trong chuỗi liên kết.
Vị đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cho rằng cần tăng tốc đầu tư hạ tầng giao thông như đường vành đai 4, các tuyến cao tốc liên kết các địa phương trong vùng. Đặc biệt là nghiên cứu mở thêm sân bay quốc tế. Hiện Bộ Giao thông Vận tải chưa có quy hoạch sân bay, trong khi sân bay xây ở đâu thì cần quỹ đất vài trăm ha đến hàng ngàn ha phục vụ cho hậu cần sân bay. Nếu mở ở Hà Nội thì Hà Nội lo, mở ở Hà Nam thì Hà Nam sẽ lo.
"Quy hoạch vùng sắp làm rồi thì phải sớm ban hành quy hoạch sân bay và Việt Nam cũng phải tính quy hoạch vài sân bay tư nhân. Việt Nam phải có sân bay chuyên chở hàng hóa chứ không thể sân bay lưỡng dụng cả vận tải hàng hóa và hành khách. Một số nước như Trung Quốc cũng đang xây dựng sân bay chuyên chở hàng hóa rồi. Cho nên Việt Nam có xây không và xây ở đâu mong các anh cho ý kiến" - Chủ tịch Hà Nội đề xuất.
Đáng chú ý, ông Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị trung ương sớm có giải pháp xây dựng Hà Nội nói riêng và vùng ĐBSH nói chung thành trung tâm đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ của cả nước. Ông Trần Sỹ Thanh "bật mí" ngày 13-9, ông vừa tiếp 1 tập đoàn của Hàn Quốc đang muốn chuyển dịch sản xuất chip bán dẫn sang Việt Nam. Họ đặt vấn đề nếu đầu tư sản xuất chip bán dẫn và công nghiệp phụ trợ chất lượng cao ở Việt Nam thì chính sách ra sao.
Tán đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho biết tập đoàn Samsung, LG cũng bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam hình thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn.
Đáng chú ý, tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Khắc Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn và lãnh đạo một số địa phương đề xuất thành lập Trung tâm Thương mại tự do tại một số địa phương trong vùng ĐBSH nhằm tạo động lực tăng trưởng nhanh cho từng địa phương.
Về đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cũng ủng hộ cần có cơ chế đặc thù hình thành các Trung tâm Thương mại tự do.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận tại hội nghị
Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết về đề xuất mô hình Trung tâm Thương mại tự do, trong nghị quyết vùng có tính tới mô hình đột phá, có thể tương tự như mô hình Trung tâm Thương mại tự do.
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, việc đưa ra đề xuất phải làm rõ nội hàm và rút kinh nghiệm mô hình đặc khu kinh tế đã từng được đề xuất trước đây để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
"Chúng ta đã có bài học về đề xuất xây dựng mô hình đặc khu kinh tế ở Quảng Ninh nhưng sau đó chưa đi đến kết quả cuối cùng. Vậy trong nghị quyết vùng này, chúng ta có tính đến mô hình hay giải pháp có tính đột phá như vậy hay không, nếu có thì ở mức độ nào?” - Trưởng Ban kinh tế Trung ương đặt vấn đề.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết các ý kiến góp ý dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW sẽ được tổng hợp đầy đủ để báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương định hướng và giải pháp để tạo bước phát triển mới cho vùng ĐBSH, đặc biệt là cơ chế, chính sách đặc thù về thuế, tài chính, ngân hàng…