Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế

Ngày 19-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trong nước và 94 đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong xu hướng chung của thế giới là tăng trưởng thấp, lạm phát cao, đến thời điểm này, Việt Nam đạt tăng trưởng cao và lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến hết tháng 8 đạt khoảng 500 tỉ USD, đời sống nhân dân ổn định và được nâng lên…

Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường, các quan điểm của Việt Nam trước các vấn đề quốc tế được bạn bè, đối tác quốc tế đồng tình, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam; Nikkei đánh giá Việt Nam xếp thứ 2 toàn cầu về chỉ số phục hồi COVID-19.

Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước Ảnh: NHẬT BẮC

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác; bởi khó khăn, thách thức đang nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, do đó chúng ta phải sẵn sàng ứng phó.

Trong bối cảnh các thị trường lớn của Việt Nam đều có xu hướng thu hẹp, các cơ quan đại diện Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của mình với tinh thần "trong nguy có cơ" để góp phần khắc phục các khó khăn tại các thị trường lớn, đồng thời mở rộng các thị trường khác, góp phần vào thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng...

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã thảo luận, đánh giá tình hình, nhận định thời cơ và thách thức, đặc biệt những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, tận dụng, nhất là về xuất khẩu, đầu tư, du lịch, khoa học - công nghệ, các động lực tăng trưởng mới…

Đồng thời, các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp đẩy mạnh kịp thời các hoạt động ngoại giao kinh tế ở cả trong và ngoài nước, ở các cấp, ngành, góp phần bảo đảm ổn định, mở rộng thị trường, tạo đột phá trong phát hiện, kết nối, tham mưu để tranh thủ thu hút đầu tư chất lượng cao...

Đặc biệt, các đại biểu đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, biện pháp, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.