Không lâu nữa, những kế hoạch và mục tiêu ấy sẽ dần được hiện thực hóa sau khi công trình NIC Hòa Lạc khánh thành vào tháng 10/2023. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để lắng nghe tâm huyết của những người đứng sau dự án và phương thức để đưa NIC Hòa Lạc trở thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.
* Thưa ông, ông có thể giới thiệu tổng quan về cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc) hiện nay?- Ông Võ Xuân Hoài: Đây là cơ sở thứ hai của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, sau cơ sở đầu tiên nằm trên phố Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy, Hà Nội) - nơi tập trung rất nhiều tập đoàn công nghệ đổi mới sáng tạo. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích đủ lớn để chúng tôi thu hút được đông đảo các tập đoàn tầm cỡ, đặt nhà máy nhỏ, đồng thời kết nối với các trường Đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học FPT, Viện VKIST và các doanh nghiệp công nghệ lớn xung quanh như Vingroup, Viettel, FPT, VNPT Technology, OE Tek Việt Nam, Vina - Sanwa,...
NIC Hòa Lạc dự kiến được khánh thành vào ngày 28/10/2023. Nơi đây sẽ trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, hội tụ đầy đủ các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: từ viện nghiên cứu, trường đại học, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như SpaceX, Intel, Google, Meta, SK, Samsung,... cũng như các doanh nghiệp trong nước Viettel, VNPT, CMC…. Bên cạnh đó là sự tham gia của rất nhiều quỹ đầu tư về đổi mới sáng tạo.
Ngoài phân khu văn phòng, NIC Hoà Lạc có các khu vực giới thiệu, trình diễn các công nghệ mới nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, NIC Hòa Lạc góp phần giải quyết bài toán khó mà các doanh nghiệp, trường đại học đang gặp phải, khi mà phòng lab hay phòng thí nghiệm, trung tâm R&D được xây dựng độc lập và rất khó để dùng chung. Trong khi đó, với các phòng lab, trung tâm R&D tại NIC Hòa Lạc, doanh nghiệp, trường đại học hay những đối tượng liên quan đều hoàn toàn có khả năng tiếp cận, sử dụng, nhận hỗ trợ từ những chuyên gia hoạt động tại đây.
* NIC Hòa Lạc đã nghiên cứu và tham khảo các mô hình tương tự tại những quốc gia khác như thế nào, thưa ông?- Chúng tôi đã tham khảo rất nhiều mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo điển hình. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng trực tiếp thăm và làm việc với hàng chục quốc gia phát triển có các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…
Hiện nay, NIC đang tham khảo các mô hình chính từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore và Pháp. Như chúng ta đã biết, tại Hoa Kỳ, Silicon Valley đã thu hút được rất nhiều tài năng trên thế giới cùng hội tụ về, phát triển ra các công nghệ, sản phẩm mới phục vụ cho đổi mới sáng tạo và tạo ra nhiều đột phá. Mô hình thứ hai là Station F tại Paris, được một tỷ phú người Pháp cải tạo lại từ một nhà ga cũ. Nơi đây trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung, cũng như các startup phát triển ứng dụng công nghệ mới nói riêng. Tất nhiên, chúng tôi cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
* Vậy NIC Hòa Lạc có đặc điểm nổi bật, khác biệt nào so với các trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới để thu hút nhân tài, doanh nghiệp, quỹ đầu tư...?- Hầu hết các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới được hình thành tại những quốc gia phát triển, đã trải qua quá trình đổi mới sáng tạo từ rất lâu. Tuy nhiên, hầu hết các trung tâm này đều do khu vực tư nhân đầu tư. Trong khi đó, NIC nói chung và NIC Hòa Lạc nói riêng là trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới của do Nhà nước quản lý , hợp tác với khu vực tư nhân để cùng xây dựng, phát triển. Điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam phát triển phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước.
Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, vai trò của Nhà nước, các cơ quan trung ương, địa phương để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Thời gian tới, trong quá trình chuyển tiếp để phát triển, chắc chắn cần sự đóng góp nhiều hơn của khối tư nhân.
* Phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã diễn ra sôi nổi trong những năm trở lại đây nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhiều “kỳ lân” (startup có giá trị trên 1 tỷ USD) hay doanh nghiệp vươn tầm thế giới. Theo ông, doanh nghiệp Việt còn đang thiếu điều gì? Là một cơ quan thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, NIC nói chung và NIC Hòa Lạc nói riêng sẽ làm gì để trở thành bệ phóng cho các doanh nghiệp tiềm năng?- Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã được đẩy lên ở mức độ cao và có sự đóng góp của các bên trong hệ sinh thái. Cụ thể là sự quyết liệt của Chính phủ, của các Bộ, ban, ngành, các địa phương và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, trường Đại học, viện nghiên cứu, tạo ra sự thay đổi nhanh chóng cho Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam lọt vào Top 50 quốc gia có chỉ số đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, đây cũng mới là giai đoạn khởi đầu của hành trình phát triển. Để tạo ra các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, “kỳ lân” công nghệ, đòi hỏi thêm thời gian tích lũy. Mặc dù hiện nay Việt Nam đã là một trong ba quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tốt nhất khu vực Đông Nam Á, cùng với Singapore và Indonesia, nhưng mới chỉ có bốn “kỳ lân” công nghệ.
Do đó, Bộ kế hoạch và Đầu tư đã công bố Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN). Qua sáng kiến này, NIC phối hợp với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để hình thành nhiều hoạt động, dự án cụ thể, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại nước ta. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu, dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam. Và thông qua đó, họ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp đi sau cùng phát triển.
Tôi cũng cho rằng, giai đoạn đầu của quá trình đổi mới sáng tạo cần có sự tham gia rất mạnh mẽ của Nhà nước. Tuy nhiên, đến giai đoạn tiếp theo, vai trò của các khu vực tư nhân và các doanh nghiệp cần sâu sắc hơn. Tôi cũng tin rằng, đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất hiện thêm nhiều “kỳ lân” và hoạt động đối mới sáng tạo của doanh nghiệp cũng thay đổi rất nhanh với tốc độ cấp số nhân.
* NIC sẽ tạo ra môi trường như thế nào để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao?- Tại các cơ sở của NIC, bao gồm cơ sở tại Hà Nội và Hòa Lạc, chúng tôi tạo ra một môi trường thực sự phù hợp với đổi mới sáng tạo. Thực tế hiện nay, câu chuyện gắn kết giữa doanh nghiệp và trường đại học dù đã đề cập nhiều lần nhưng vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Chính vì thế, trong môi trường của NIC, chúng tôi muốn tạo ra những không gian thuận lợi cho các trường đại học, viện nghiên cứu kết nối dễ dàng với doanh nghiệp.
Khu dịch vụ, tiện ích đồng bộ, hiện đại đảm bảo cho chuyên gia làm việc tại Hòa Lạc. Ngoài ra, NIC Hòa Lạc cũng xây dựng nền tảng số để các chuyên gia và quỹ đầu tư từ nước ngoài có thể dễ dàng kết nối với Việt Nam. Họ có thể sử dụng các sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp startup đang hoạt động tại NIC.
Đặc biệt, NIC có một cơ chế chính sách riêng đó là Nghị định 94/2020/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy định rất nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà đổi mới sáng tạo trên thế giới về NIC hoạt động. Cụ thể như tạo thuận lợi về chính sách visa, cơ chế ưu đãi về thuế và các ưu đãi về chương trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới tại NIC. Chính vì thế, tôi tin rằng NIC Hoà Lạc sẽ tạo ra nhiều sự đột phá cho chuyên gia, nhà khoa học khi về Việt Nam làm việc, cũng như đột phá trong hoạt động đổi mới sáng tạo của quốc gia.
* Phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NIC Hòa Lạc. Vậy cụ thể, NIC sẽ có kế hoạch hành động như thế nào để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường?- Các doanh nghiệp Việt Nam muốn đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới để chuyển đổi số, cần có nguồn nhân lực phù hợp. Chính vì vậy, chúng tôi đã và đang phối hợp với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Google, Meta, Amazon,.. để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho doanh nghiệp, thông qua các trường đại học và các đối tác đào tạo. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, tập trung vào ngành nghề liên quan đến cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư như AI, Big Data, Machine learning.
Trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi đã đào tạo được hàng nghìn kỹ sư liên quan đến AI, Big Data, Machine Learning. Thời gian tới, USAID cam kết tiếp tục đồng hành với NIC để cung cấp gói tài chính khoảng 12,5 triệu USD. Với gọi tài trợ này, chúng tôi không phải cơ quan trực tiếp thực hiện mà sẽ phối hợp với các trường đại học và đối tác, những đơn vị có kinh nghiệm, trên cơ sở đánh giá để lựa chọn doanh nghiệp, trường đại học có khả năng đào tạo phù hợp để phân bổ nguồn kinh phí, giúp họ chủ động triển khai.
Đặc biệt, Chính phủ cũng giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia xây dựng và hình thành đề án phát triển 50.000 kỹ sư chất lượng cao trong ngành chip bán dẫn đến năm 2030. Đây là một trong các mục tiêu trọng tâm của NIC trong thời gian tới. Vì thế, chúng tôi đang phối hợp với Synopsys, Cadence hay khu Công nghệ cao TP.HCM để cung cấp thiết bị máy móc, hệ thống phần mềm phục vụ cho đào tạo. Hay cùng với Tập đoàn Siemens, chúng tôi đã và đang xây dựng một trung tâm trải nghiệm số, thông qua đó đào tạo nguồn nhân lực đang hoạt động trong doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực ở trường đại học.
* Vậy các doanh nghiệp và trường Đại học phải đáp ứng các tiêu chí như thế nào để có thể đặt văn phòng, phòng lab... tại NIC Hoà Lạc?- Hiện nay chúng tôi đang xây dựng bộ tiêu chí cho từng nhóm doanh nghiệp, trường Đại học,... tại NIC Hòa Lạc.
Ưu tiên đầu tiên, doanh nghiệp phải có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao. Đổi mới sáng tạo ở đây là việc tạo ra các sản phẩm, quy trình mới, được áp dụng và tạo ra hiệu quả trên thực tế.
Thứ hai là tính hiệu quả hoạt động. Các doanh nghiệp này ngoài phát triển trong nước thì phải có khả năng xuất khẩu trong tương lai. Điều này rất quan trọng. Chúng tôi không thể hỗ trợ tất cả, mà chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp thực sự có khả năng đổi mới sáng tạo và đóng góp cho quá trình đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn thu hút các doanh nghiệp của người gốc Việt đang hoạt động hiệu quả ở nước ngoài trở về, tiếp tục phát triển tại Việt Nam. Tại cơ sở NIC Hà Nội, chúng tôi đã thu hút một số doanh nghiệp của người Việt đến từ Silicon Valley.
* Không lâu nữa, NIC Hoà Lạc sẽ chính thức khánh thành. Hiện đã có doanh nghiệp, startup hay tập đoàn nào sẽ đặt văn phòng, phòng lab chưa, thưa ông?* Tuy đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 NIC Hòa Lạc mới chính thức đi vào hoạt động nhưng hiện nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã tiếp cận và mong muốn triển khai các trung tâm R&D, khu vực sản xuất tại đây.
Cụ thể, Tập đoàn Samsung sẽ hình thành Trung tâm Samsung Innovation Lab. Tương tự, John Cockerill - một trong những tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ cũng sẽ xây dựng trung tâm R&D và phòng lab tại đây. Bên cạnh đó, chúng tôi hợp tác cùng Tập đoàn SK, xây dựng khu vực trải nghiệm các công nghệ mới trên thế giới. NIC cũng bắt tay với Tập đoàn Google, Meta nhằm tạo ra các trung tâm trải nghiệm về công nghệ số, trung tâm đào tạo nhân lực cho trường Đại học và doanh nghiệp. Đặc biệt, hiện nay Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã phối hợp với Tập đoàn SpaceX để xây dựng trung tâm R&D, có thể phát triển công nghệ mới nhất của SpaceX tại NIC.
Qua đây, doanh nghiệp Việt Nam có thể hình dung ra cách doanh nghiệp lớn trên thế giới đã ứng dụng công nghệ, quy trình đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển như thế nào.
Một nhiệm vụ quan trọng khác, chúng tôi cũng phối hợp với các doanh nghiệp có giải pháp, nền tảng số để đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, hình thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu tại NIC, dự kiến ra mắt vào ngày 28/10 sắp tới.
* Với sự ra mắt của NIC Hòa Lạc, ông có thông điệp gì gửi tới cộng đồng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp Việt Nam?- Với NIC Hòa Lạc, chúng tôi đặt mục tiêu và kế hoạch trở thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á trong 10 năm tới. Đây là không gian dành cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trong nước cũng như của khu vực và thế giới, để khi nói về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức sẽ biết đến NIC Hòa Lạc.
Tôi cũng muốn nhắn nhủ với doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo không phải là một phong trào diễn ra trong vài năm. Nhật Bản, Hoa Kỳ,... đã đổi mới sáng tạo cách đây hàng chục năm và bây giờ họ vẫn tiếp tục. Nếu không đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp sẽ sớm tụt hậu và bị đào thải, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua quá trình phát triển rất nhanh. Chính vì thế, doanh nghiệp luôn luôn cần đổi mới sáng tạo, coi đây là hoạt động thường xuyên liên tục.
* Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!