Nền tảng phân tích dữ liệu E-commerce Metric mới đây công bố “Báo cáo tổng quan thị trường các sàn thương mại điện tử Việt Nam nửa đầu năm 2023 và dự báo quý III/2023”, cho thấy những kết quả khả quan. Tổng giá trị của toàn bộ đơn hàng giao thành công (NMV) trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đạt gần 93.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 46% so với doanh thu cùng kỳ năm 2022.
Một xu hướng nổi bật trên các sàn TMĐT được Metric chỉ ra là shopping livestream , hay còn được gọi là mua sắm qua video trực tiếp, xuất phát từ mạng xã hội ở Trung Quốc.
Theo thống kê của Metric, shopping livestream là loại hình phổ biến nhất của hoạt động livestream tại Việt Nam, với 62% số người được khảo sát cho biết mục tiêu xem livestream của họ là mua sắm. Ngoài ra có 49% xem để giải trí.
Khi được hỏi về thời gian trung bình xem livestream mỗi tuần, 1-3 giờ là câu trả lời phổ biến nhất với 38% đáp viên lựa chọn. Tiếp đó, 33% cho biết họ dành dưới 1 giờ mỗi tuần để xem livestream. Đáng chú ý, có tới 18% nói rằng họ dành 3-5 giờ và 7% dành 5-7 giờ.
Về thời gian trung bình xem livestream mỗi phiên, 34% đáp viên cho biết họ thường xem 15-30 phút, 27% xem 5-15 phút và 25% xem 30 phút-1 giờ.
Để thể hiện rõ hơn lượng thời gian mà người tiêu dùng dành để xem livestream, Metric trích dẫn thống kê của Statista cho biết thời gian online trung bình của người Việt Nam là hơn 6 giờ mỗi ngày.
Theo báo cáo hồi đầu tháng 6 từ công ty Nghiên cứu thị trường Coresight Research, shopping livestream đã phát triển thần tốc thành thị trường trị giá 512 tỷ USD. Chỉ tính riêng tại Mỹ, doanh thu bán hàng livestream có thể dễ dàng đạt 50 tỷ USD trong năm 2023.
Nhắc tới bán hàng qua livestream, TikTok Shop có lẽ là cái tên đầu tiên được nhớ đến. Trước xu hướng mới, Shopee hay Lazada cũng đẩy mạnh hình thức livestream. Tuy nhiên, nhờ xuất phát điểm là một nền tảng chia sẻ video, TikTok Shop rõ ràng chiếm ưu thế. Trong lúc lướt video để giải trí, người dùng sẽ bắt gặp các phiên livestream và có thể “cao hứng” bấm vào xem ngay lập tức. Đặc điểm này hoàn toàn khác với Shopee hay Lazada - ứng dụng mà người dùng thường chỉ vào khi có nhu cầu mua sắm.
Quý IV/2022, chỉ 4 tháng sau khi ra mắt thị trường Việt Nam, TikTok Shop đã có doanh thu bằng 80% doanh thu của Lazada, đến quý I/2023 chỉ còn kém Lazada 3,5% thị phần doanh thu.
Sau quý II/2023, TikTok Shop chính thức vượt qua Lazada vươn lên là sàn TMĐT lớn thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau Shopee . Theo số liệu của Metric, thị phần doanh thu quý này của TikTok Shop và Lazada lần lượt là 20% và 16%. Shopee chiếm 63%.
Metric cho biết thị phần của Shopee từ đầu năm tới nay gần như không thay đổi, đồng nghĩa với việc TikTok Shop đang thực sự lấy đi thị phần từ các sàn TMĐT còn lại.
Ngay từ đầu tháng 6, công ty phân tích dữ liệu TMĐT YouNet ECI cũng cho biết TikTok Shop đã vượt Lazada để trở thành sàn TMĐT có số lượng nhà bán hàng hoạt động trong tháng cao thứ 2 thị trường, chỉ sau Shopee.
Theo YouNet ECI, lực lượng influencers (những người có tầm ảnh hưởng sở hữu trên 20.000 follower) đã góp phần làm nên một năm tăng trưởng nóng cho TikTok Shop. Họ chính là những người thực hiện các phiên livestream thu hút đông đảo người tiêu dùng.
Ví dụ điển hình là phiên livestream dài 24 giờ của KOL Phạm Thoại hồi tháng 1/2023 đã giúp tiêu thụ 76.000 sản phẩm. Tháng 3/2023, KOL Võ Hà Linh thực hiện phiên livestream bán hàng đầu tiên trên TikTok Shop, thu hút tới 80.000 người xem và 11 triệu lượt yêu thích chỉ trong chưa đầy 1 tiếng.
Trong một báo cáo hồi quý I/2023, Decision Lab - đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam chỉ ra rằng mô hình Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) mà TikTok Shop theo đuổi đã trở thành xu thế không thể phủ nhận.
“ Với sự nổi lên của TikTok Shop, ranh giới giữa mua sắm và giải trí ngày càng trở nên mờ nhạt. Người tiêu dùng Việt Nam đang tìm kiếm các trải nghiệm mua sắm trực tuyến thú vị và mang tính tương tác hơn ”, Decision Lab nhận định.