Đẳng cấp xây dựng của Trung Quốc: Giúp một nước xây nhà máy điện gió lớn nhất Trung Á, mỗi tuabin cao bằng tòa nhà 50 tầng, nặng 300 tấn, vận hành hoàn toàn tự động

Có quy mô lớn như vậy nhưng nhà máy điện gió này chỉ sử dụng khoảng 15 nhân viên để phụ trách vận hành và bảo trì.

Đẳng cấp xây dựng của Trung Quốc: Giúp một nước xây nhà máy điện gió lớn nhất Trung Á, mỗi tuabin cao bằng tòa nhà 50 tầng, nặng 300 tấn, vận hành hoàn toàn tự động - Ảnh 1.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã có đóng góp đáng kể vào việc phát triển năng lượng tái tạo ở quốc gia Trung Á Kazakhstan, trong đó không thể không nhắc đến nhà máy điện gió Zhanatas.

Nằm trên một thảo nguyên bao quanh ngọn đồi gần thành phố Zhanatas ở vùng Zhambyl, trang trại điện gió với công suất 100 MW này ước tính sẽ sản xuất 350 triệu kilowatt giờ điện “sạch” mỗi năm, đáp ứng nhu cầu điện của khoảng 1 triệu hộ gia đình ở Kazakhstan. Bên cạnh đó, nhà máy còn dự kiến sẽ giúp tiết kiệm 109.500 tấn than đồng thời cắt giảm lượng khí thải CO₂ xuống 289.000 tấn và lượng tro xuống còn 32.900 tấn.

Là một trong những dự án trọng điểm trong hợp tác năng lực sản xuất giữa Trung Quốc và Kazakhstan, Zhanatas là dự án điện gió lớn nhất ở Trung Á vào thời điểm vận hành toàn bộ vào tháng 6/2021.

Theo tính toán, Zhanatas sẽ vận hành hoàn toàn tự động và có thể hoạt động trong 20 năm mà không cần sửa chữa đáng kể. Tất cả là nhờ sử dụng hệ thống điều khiển giám sát, thu thập dữ liệu và Internet vạn vật (IoT). Có quy mô lớn như vậy nhưng nhà máy điện gió này chỉ sử dụng khoảng 15 nhân viên để phụ trách vận hành và bảo trì.

Đẳng cấp xây dựng của Trung Quốc: Giúp một nước xây nhà máy điện gió lớn nhất Trung Á, mỗi tuabin cao bằng tòa nhà 50 tầng, nặng 300 tấn, vận hành hoàn toàn tự động - Ảnh 2.

Nhân viên giám sát tại nhà máy (Ảnh: China Daily).

Nhà máy điện gió Zhanatas được phát triển bởi Tập đoàn Đầu tư Điện lực Nhà nước của Trung Quốc (SPIC) - 1 trong 5 nhà sản xuất điện hàng đầu quốc gia này. Đến năm 2021, SPIC đã có mặt tại 46 quốc gia và khu vực trên thế giới. SPIC cho biết nhà máy Zhanatas có tổng cộng 40 tuabin gió, mỗi tuabin nặng khoảng 300 tấn và cao gần 150 mét – tương đương một tòa nhà 50 tầng.

Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 7 năm 2019. Bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những tuabin đầu tiên đã đi vào hoạt động vào tháng 9 năm 2020. Một nhân viên của nhà máy cho biết từ thời điểm bắt đầu hoạt động đến cuối năm 2022, so với các nhà máy nhiệt điện than cùng công suất, Zhanatas đã tiết kiệm được 255.000 tấn than và giảm lượng khí thải CO2 khoảng 673.000 tấn.

Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy điện gió Zhanatas đã giúp giảm bớt tình trạng thiếu điện ở miền nam Kazakhstan. Trước đó, Kazakhstan phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất nhiệt điện - chiếm hơn 80% tổng sản lượng điện trong nước.

Trong khi đó, Kazakhstan được đánh giá là địa điểm tốt nhất để phát triển năng lượng gió ở Trung Á nhờ nguồn tài nguyên gió phong phú và tiềm năng đáng kể. Đặc biệt, các khu vực phía Nam, nơi chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu điện trong nước, lại sở hữu nguồn năng lượng tái tạo phong phú.

Đẳng cấp xây dựng của Trung Quốc: Giúp một nước xây nhà máy điện gió lớn nhất Trung Á, mỗi tuabin cao bằng tòa nhà 50 tầng, nặng 300 tấn, vận hành hoàn toàn tự động - Ảnh 3.

Kazakhstan được đánh giá là địa điểm tốt nhất để phát triển năng lượng gió ở Trung Á (Ảnh: China Daily)

Một nhà phân tích cho biết, dự án Zhanatas đã giải quyết được vấn đề làm thế nào để tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng của Kazakhstan và cải thiện tình trạng mất cân bằng năng lượng.

Về phần mình, SPIC - nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào các nhà máy điện mặt trời, cho biết năng lượng sạch sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn ở nước ngoài.

Không riêng SPIC, nhiều công ty khác đến từ Trung Quốc, với khả năng kiểm soát chi phí vượt trội và cung cấp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đã trở nên nổi bật trên thị trường quốc tế khi đấu thầu các dự án nước ngoài.