Đại diện Intel: "AI không phải là ngày tận thế, loài người sẽ tiến hóa đủ để tốt hơn trong 5 năm tới"

Đó là nhận xét của bà Alexis Helzer, đại diện Intel khi cho biết về nỗ lực phổ cập AI đến với mọi người dùng trong những năm tới.

Cuộc cách mạng về công nghệ trí tuệ nhân tạo được ChatGPT hay các mô hình AI tạo ra hiện nay không chỉ đến từ các tính năng mà người dùng chưa từng thấy trước đây, mà còn nằm ở việc cách thức sử dụng của chúng vô cùng dễ dàng thuận tiện. Không cần các câu lệnh phức tạp, người dùng có thể sử dụng chính ngôn ngữ thường dùng hàng ngày của mình là đủ để tạo ra được các nội dung mình mong muốn.

Nhưng vẫn còn một thách thức không nhỏ đối với cuộc cách mạng AI này, đó là hệ sinh thái đóng của mỗi công cụ AI đang nổi lên hiện nay. Mỗi công cụ ứng dụng AI lại được xây dựng trên các nền tảng phần cứng khác nhau vì những yêu cầu khác nhau về hiệu năng và hiệu quả năng lượng.

Chính vì vậy, điều này gây khó khăn cho các lập trình viên khi có nhiều nền tảng mô hình AI khác nhau. Họ cần cách tiếp cận mới để có thể triển khai ứng dụng của mình một lần nhưng xuất hiện ở mọi nơi với các giải pháp linh hoạt, mã nguồn mở và đạt được hiệu quả năng lượng cao hơn. Điều này cũng có nghĩa người dùng sẽ khó tiếp cận hơn với các dịch vụ mà lập trình viên xây dựng khi nó có thể chỉ hỗ trợ một mô hình AI nào đó mà thôi.

Đại diện Intel: AI không phải là ngày tận thế, loài người sẽ tiến hóa đủ tốt trong 5 năm tới - Ảnh 1.

Công cụ Intel oneAPI giúp các ứng dụng AI chạy trên nhiều nền tảng phần cứng khác nhau

Đó cũng là điều Intel đang hướng tới để có thể phổ cập AI cho người dùng và các lập trình viên. Intel đã ra mắt một số công cụ để hỗ trợ các lập trình viên tiếp cận theo hướng này, ví dụ oneAPI Toolkits. Công cụ này có thể giúp doanh nghiệp lập trình viết mã một lần và sau đó chạy trên nhiều nền tảng phần cứng khác nhau.

Không chỉ giúp giảm nhẹ công sức của các lập trình viên khi họ chỉ cần phát triển ứng dụng một lần mà còn giúp các doanh nghiệp tối ưu hiệu năng và chi phí vận hành, cũng như đơn giản hoá quá trình quản lý khi có nhiều nền tảng phần cứng khác nhau cho mỗi mô hình AI.

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng nên hệ sinh thái mở cho các ứng dụng AI còn giúp loại bỏ các rào cản làm chậm trễ tiến độ triển khai và giúp các lập trình viên xây dựng được ứng dụng AI trên các nền tảng phần cứng phù hợp, có thể đảm bảo hiệu năng cũng như hiệu quả chi phí.

Đại diện Intel: AI không phải là ngày tận thế, loài người sẽ tiến hóa đủ tốt trong 5 năm tới - Ảnh 2.

Bà Alexis Crowell Helzer và ông Eric Chan, Phó Chủ tịch Nhóm Mạng lưới và Vùng biên đám mây, kiêm Giám đốc điều hành, Hỗ trợ và Triển khai Ứng dụng Khách hàng của Intel

Điều này càng được khẳng định hơn trong cuộc phỏng vấn của phóng viên chúng tôi với đại diện của Intel, bao gồm bà Alexis Crowell Helzer - phó chủ tịch kiêm Giám đốc nhóm Các Giải pháp Công nghệ, Phần mềm và Dịch vụ, châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản.

Phóng viên: Bà có thể chia sẻ thêm về mục tiêu phổ cập hóa AI cho người dùng như thế nào không?

Bà Alexis:

•           Intel muốn mọi người có thể tiếp cận được với AI một cách dễ dàng nhất, chúng tôi xem trí thông minh nhân tạo như một công cụ. Nó sẽ là bước tiến tiếp theo của thế giới công nghệ. Để dễ hình dung, cách đây 15-20 năm, chúng ta khi nói về wireless (công nghệ không dây), hay Wi-Fi thì gần như chả ai biết về nó, nhưng giờ đây đó lại là thứ cần thiết không thể tách rời trong cuộc sống hiện tại.

•           Ngày nay chúng ta có thể cầm laptop ra ngoài làm việc, online một cách dễ dàng, đó là nhờ Wi-Fi, điều mà ngày xưa chúng ta không thể hình dung sẽ có nó trên đời. Mọi chiếc laptop ta mua giờ đây đều có khả năng kết nối Wi-Fi, đó là điều kiện bắt buộc. Và chúng tôi nghĩ AI cũng giống như vậy, ban đầu chúng ta cũng sẽ khó mường tượng, khó hình dung nhưng hiện tại AI đang bắt đầu được xây dựng và tích hợp vào cùng với công nghệ để giải quyết các bài toán, các giải pháp, các công việc hàng ngày hay bất kỳ những vấn đề quanh ta. Và để có được những khả năng này, AI phải được tích hợp vào tất cả các con chip, tất nhiên là cả phần mềm để hỗ trợ nữa. Chúng tôi đang muốn phổ cập hóa và dân chủ hóa AI, điều đó có nghĩa là "mở" AI và đưa AI tới với tất cả mọi người dùng. Dù là bạn đang muốn giải quyết vấn đề gì, AI sẽ là công cụ để bạn tận dụng và sáng tạo.

•           Và để phổ cập AI, chúng ta cần một hệ sinh thái mở, trong đó phần mềm đóng vai trò chủ yếu để giải phóng sức mạnh và khả năng mở rộng của AI. Nếu không có một loạt khung phần mềm và bộ công cụ được tối ưu để hỗ trợ phần cứng chạy các ứng dụng AI, hiệu năng vượt trội cũng sẽ không đáp ứng được những yêu cầu tối ưu cho mục đích kinh doanh.

•           Các lập trình viên cần hướng tiếp cận xây dựng một lần và có thể triển khai ở mọi nơi với các giải pháp linh hoạt, mã nguồn mở và tiết kiệm điện năng để có thể chạy mọi loại AI. Một công cụ điển hình là oneAPI Tookits của Intel. Công cụ này có thể giúp các doanh nghiệp viết mã một lần và sau đó có thể chạy trên mọi nền tảng phần cứng khác nhau.

Đại diện Intel: AI không phải là ngày tận thế, loài người sẽ tiến hóa đủ tốt trong 5 năm tới - Ảnh 3.

Bà Alexis Crowell Helzer và ông Eric Chan, Phó Chủ tịch Nhóm Mạng lưới và Vùng biên đám mây, kiêm Giám đốc điều hành, Hỗ trợ và Triển khai Ứng dụng Khách hàng của Intel

Phóng viên: Khó khăn gì trong việc phổ cập hóa AI?

Bà Alexis: Theo tôi nghĩ khó khăn thì có, khi bạn muốn làm cái gì đó to lớn, chẳng hạn như chuyện phổ cập hóa AI này, bạn phải dịch chuyển cả một hệ sinh thái đi theo, vì Intel không thể làm việc này một mình. Ví dụ như phần mềm, Intel cũng phải làm việc với rất nhiều đối tác phần mềm trong hệ sinh thái này để mọi thứ trở nên thực thi hơn, nhưng thế mạnh của Intel là một tập đoàn lớn và đã ở trong lĩnh vực này rất nhiều năm, vậy nên chúng tôi cũng có thể kết nối các đối tác lại với nhau, dù là phần mềm hay sản xuất phần cứng. Người xưa có câu, nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình; nhưng nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Vậy nên để phổ cập hóa AI đến tất cả mọi người, đó không phải là chuyện một sớm một chiều, nhưng chúng tôi sẽ làm được.

Phóng viên: Bà dự đoán 5 năm nữa AI sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống chúng ta?

Bà Alexis: Chà, tôi ước gì tôi có một cái quả cầu tiên tri. Chúng ta chỉ mới đang ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên AI, cách đây 12 tháng chắc cũng không mấy ai nghĩ rằng bây giờ con người chúng ta ngồi nói chuyện về LLM nhiều đến như vậy (LLM viết tắt của Large Language Models, hay còn gọi là xác suất có khả năng hiểu và sinh ngôn ngữ tự nhiên dựa trên kiến thức được thu thập từ các tập dữ liệu cực lớn). Và tôi không nghĩ đó là "ngày tận thế", LLM không thể nào 1 tay làm được hết tất cả đâu, nó sẽ có những giải pháp hay ho, giải quyết được những công việc nào đó mà chúng ta cần, NHƯNG, tôi tin rằng thế giới con người chúng ta có đủ khả năng, đủ sự sáng tạo và đủ "tiến hóa" để tốt hơn trong 5 năm tới.

Đại diện Intel: AI không phải là ngày tận thế, loài người sẽ tiến hóa đủ tốt trong 5 năm tới - Ảnh 4.

Lộ trình phổ cập AI thông qua các giải pháp phần cứng và phần mềm của intel

Các công cụ phần mềm không phải là nỗ lực duy nhất của Intel để phổ cập AI. Bên cạnh đó, người khổng lồ sản xuất chip này cũng có những giải pháp phần cứng khác, để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, huấn luyện và vận hành mô hình AI cho riêng mình. Mới đây nhất, Intel đã giới thiệu bộ tăng tốc AI chuyên dụng Intel Gaudi2, với tuyên bố cho biết, con chip này có mức hiệu năng/giá thành vượt trội hơn hẳn so với các GPU A100 của Nvidia, bộ xử lý đang được dùng để huấn luyện và vận hành nên ChatGPT.

Đại diện Intel: AI không phải là ngày tận thế, loài người sẽ tiến hóa đủ tốt trong 5 năm tới - Ảnh 5.

Bộ xử lý tăng tốc AI Intel Habana Gaudi2, con chip hứa hẹn có thể cạnh tranh với GPU A100 của Nvidia trong các tác vụ AI