Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế": Trách nhiệm, năng động, sáng tạo

(NLĐO)- Tại lễ trao giải Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3, Ban tổ chức đã công bố và trao 5 giải cho 5 tác giả có tác phẩm đoạt giải. Trong đó, tác phẩm "Vực dậy bằng kinh tế số" của tác giả Lê Đăng Doanh đoạt giải Nhất.

Sáng 5-10, Báo Người Lao Động đã long trọng tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3.

Buổi lễ nhằm vinh danh các tác giả với những ý tưởng xuất sắc nhất, đồng thời lan tỏa những thông điệp, tâm huyết quý báu đóng góp vào sự xây dựng, phát triển TP HCM.

Đến dự lễ trao giải có bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; bà Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế". 

Báo Người Lao Động phát động Cuộc thi Lắng nghe người dân hiến kế lần 4 - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, dự lễ trao giải

Dự lễ trao giải còn có PGS-TS Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Chủ tịch Hội đồng chung khảo cuộc thi; TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, giám khảo Hội đồng chung khảo cuộc thi; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố, giám khảo Hội đồng chung khảo cuộc thi; ông Lâm Đình Thắng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố; ông Nguyễn Ngọc Năm, Giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại TP HCM...

Báo Người Lao Động phát động Cuộc thi Lắng nghe người dân hiến kế lần 4 - Ảnh 2.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế", dự lễ trao giải

Về phía đơn vị đồng hành có ông Trần Phước Sang, Phó Trưởng Văn phòng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) khu vực miền Nam; bà Lê Thị Bảo Chi, đại diện Tập đoàn Vingroup; Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (ALMA); Tập đoàn T&T.

Về phía Báo Người Lao Động có TS - Nhà báo Tô Đình Tuân, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chung khảo cuộc thi.

Đặc biệt là sự tham dự của các tác giả có tác phẩm đoạt giải cuộc thi năm nay.

Báo Người Lao Động phát động Cuộc thi Lắng nghe người dân hiến kế lần 4 - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM và ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, tặng quà cho Hội đồng Chung khảo cuộc thi

Tại lễ trao giải, đại biểu cùng các tác giải đoạt giải đã cùng nhìn lại hành trình cuộc thi qua 3 lần tổ chức (từ năm 2019-2022) với những tác phẩm để lại dấu ấn đặc sắc nhất.

Hiện thực hóa Kế hoạch 305

Phát biểu nhận xét về cuộc thi, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết Kế hoạch số 305 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về "Khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng TP HCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước" ngay từ khi ban hành đã có sự lan tỏa rộng rãi. Trong đó, báo chí đóng vai trò rất quan trọng.

Báo Người Lao Động, Cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP HCM, đã rất trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong việc lan tỏa và hiện thực hóa Kế hoạch số 305 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM thông qua việc phát động cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" từ ngày 24-9-2019, ngay sau khi Kế hoạch 305 ra đời. "Đến nay, qua 3 năm đã có 3 cuộc thi được tổ chức, thu hút hàng trăm tác giả trong và ngoài nước tham gia" – ông Phan Nguyễn Như Khuê nhìn nhận.

Báo Người Lao Động phát động Cuộc thi Lắng nghe người dân hiến kế lần 4 - Ảnh 4.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại lễ trao giải

Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, hầu hết tác phẩm gửi tham gia cuộc thi không đơn thuần chỉ để tham gia thi mà đó còn là tâm huyết, ý thức trách nhiệm và tình cảm yêu quý TP HCM của các tác giả.

"Những ý kiến của các tác giả là "tài sản" vô cùng quý. Đây trước tiên là thể hiện sự quan tâm, tình yêu của người dân đối với TP. Sau đó là thể hiện sự tự hào, mong mỏi của rất nhiều tầng lớp nhân dân để duy trì sự phát triển, đầu tàu kinh tế của TP HCM trong sự phát triển của đất nước" – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đánh giá.

Trân trọng chúc mừng 5 tác giải đoạt giải

Tại lễ trao giải, Ban tổ chức đã công bố và trao 5 giải cho 5 tác giả có tác phẩm đoạt giải. Cụ thể:

Tác phẩm "Vực dậy bằng kinh tế số" của tác giả Lê Đăng Doanh đoạt giải Nhất

Tác phẩm "Cải cách môi trường kinh doanh để phục hồi kinh tế" của tác giả TS Nguyễn Đình Cung, đoạt giải Nhì.

Tác phẩm "Để có nhà ở tốt, giá cả phải chăng" của tác giả Nhật Quang đoạt giải Ba.

z3774801150275_c641b2627ffdff3ff03be02383ef94ad

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM và ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao giải Nhất cho tác giả Lê Đăng Doanh

Tác phẩm "Vành đai 3: Mấu chốt là hài hòa lợi ích" của tác giả Trần Văn Tường và tác phẩm "Để TP HCM trở thành điểm đến hấp dẫn" của tác giả Bùi Thị Hồng Nhung đoạt giải Khuyến khích.

Tổng mức tiền thưởng là 120 triệu đồng (giải Nhất 50.000.000 đồng, giải Nhì 30.000.000 đồng, giải Ba 20.000.000 đồng, giải Khuyến khích 10.000.000 đồng/mỗi giải).

Vinh dự, xúc động

Ngay sau phần nhận giải, nhiều tác giải đã chia sẻ sự xúc động khi được xướng tên.

TS Lê Đăng Doanh đã gửi lời cảm ơn đến Báo Người Lao Động khi mời ông từ Hà Nội vào TP HCM để nhận giải thưởng. TS Lê Đăng Doanh chia sẻ rất ngưỡng mộ và hoan nghênh tinh thần sáng tạo, tiên phong của thành phố từ trước đến nay, đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, TP HCM bị phong tỏa, cách ly khắc nghiệp. Chính giai đoạn này đã tạo điều kiện cho kinh số phát triển.


Báo Người Lao Động phát động Cuộc thi Lắng nghe người dân hiến kế lần 4 - Ảnh 7.

TS Lê Đăng Doanh chia sẻ tại buổi lễ

"Không gặp nhau nhưng qua kinh tế số chúng ta vẫn có thể tiếp tục bán hàng. Ngay cả những hộ kinh doanh nhỏ, lẻ cũng có thể buôn bán qua kinh tế số. Chính Báo Người Lao Động đã phát huy vai trò lắng nghe ý kiến và phát huy sáng kiến đó"- TS Lê Đăng Doanh đánh giá và mong Báo Người Lao Động tiếp tục phát huy vai trò một tờ báo của Thành ủy TP HCM, một tờ báo phản ánh rộng rãi các kinh nghiệm của thành phố và cả nước.

TS Lê Đăng Doanh cũng gửi gắm rằng dưới sự lãnh đạo của Thành ủy thành phố, Báo Người Lao Động sẽ đưa những điển hình thành công trên các lĩnh vực. Bởi theo ông, nếu chỉ nói lý thuyết, nghị quyết thì chỉ tác động mức độ nhất định nhưng khi đưa lên những điển hình cụ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã… vận dụng, phát triển, phát huy vai trò con người thì sự tác động và lan tỏa sẽ rộng rãi hơn. Các đơn vị khác sẽ đến học tập kinh nghiệm cụ thể, từ đó sẽ khái quát hóa, phổ biến những kinh nghiệm đó, sáng tạo đó.

Với tinh thần đó, TS Lê Đăng Doanh khẳng định sẽ tiếp tục là cộng tác viên của Báo Người Lao Động, tiếp tục là người công dân tuy "xa mặt nhưng không xa lòng" của TP HCM với mong muốn TP HCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu, là "viên ngọc Viễn Đông" của Đông Nam Á. TP HCM sẽ trở thành trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế số, qua đó đóng góp, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

TS Nguyễn Đình Cung (đoạt giải Nhì) gửi lời cảm ơn đến Báo Người Lao Động đã tổ chức được một cuộc thi ý nghĩa.

Cũng như TS Lê Đăng Doanh, TS Nguyễn Đình Cung cũng bay từ Hà Nội vào TP HCM để nhận giải. Ông mong muốn cuộc thi sẽ ngày càng được nâng tầm trong thời gian tới, trở thành một cuộc thảo luận, hiến kế cho sự phát triển của TP HCM cũng như của Quốc gia.

Báo Người Lao Động phát động Cuộc thi Lắng nghe người dân hiến kế lần 4 - Ảnh 8.

TS Nguyễn Đình Cung được vinh danh với tác phẩm "Cải cách môi trường kinh doanh để phục hồi kinh tế"

Chia sẻ về tác phẩm "Cải cách môi trường kinh doanh để phục hồi kinh tế" của mình, TS Nguyễn Đình Cung cho biết đây cũng chính là điều mà ông trăn trở nhiều năm qua. Là người tham gia làm chính sách cải cách cho cả nước nhưng ông luôn dành sự quan tâm đến TP HCM. Theo ông, TP HCM đóng một vai trò cực kỳ quan trọng ngay từ những ngày đầu thực hiện cải cách.

"Tôi mong TP HCM không chỉ là đầu tàu trong phát triển kinh tế, mà còn phải là đầu tàu trong cải cách kinh tế Việt Nam. Chỉ khi TP HCM đi đầu trong cải cách kinh tế Việt Nam thì lúc đó TP mới giữ được vai trò đầu tàu một cách mạnh mẽ..." – ông Cung nói.

Tác giả Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra rằng TP HCM muốn cải cách môi trường kinh doanh, chuyển đổi số, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì phải bắt đầu từ việc cải cách kinh tế. Theo ông, nếu TP HCM không chuyển đổi thành công mô hình phát triển thì cả nước sẽ không chuyển đổi được. Bởi vì TP HCM hội tụ đủ điều kiện, có đủ áp lực lẫn động lực để thực hiện điều này

Tại lễ trao giải, Báo Người Lao Động đã trân trọng trao lại tập sách "Lắng nghe người dân hiến kế lần 2 và lần 3" đến lãnh đạo TP HCM với hy vọng những hiến kế đầy tâm huyết này sẽ được lãnh đạo TP quan tâm, triển khai, vận dụng vào thực tế để góp phần giúp TP ngày càng phát triển, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Đây là tập sách Báo Người Lao Động đã tổng hợp các hiến kế đặc sắc nhất trong 2 cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế lần 2 và lần 3" thành tập sách.

Nhiều bài thi chất lượng cao

Phát biểu tổng kết cuộc thi tại lễ trao giải, TS - Nhà báo Tô Đình Tuân cho biết hưởng ứng Kế hoạch số 305 của Thành ủy TP HCM, với mong muốn xây dựng diễn đàn để tiếp nhận những ý kiến đóng góp, hiến kế của người dân, Báo Người Lao Động đã phát động, tổ chức các Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế".

Qua các lần tổ chức, cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm và tạo được vị thế nhất định trong lòng độc giả, trí thức yêu nước cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Từ những thành công, sức lan tỏa của 2 cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 1 và lần 2, Ban Biên tập Báo Người Lao Động tiếp tục phát động cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 năm 2021-2022 nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày thành lập Báo.

Báo Người Lao Động phát động Cuộc thi Lắng nghe người dân hiến kế lần 4 - Ảnh 9.

TS - Nhà báo Tô Đình Tuân, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chung khảo cuộc thi, phát biểu tổng kết cuộc thi

Cuộc thi lần thứ 3 được phát động từ ngày 14-8-2021 đến ngày 28-7-2022, tập trung vào 3 chủ đề mở: "Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19"; "Hiến kế để TP HCM giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước"; "Nên làm gì để chuyển đổi số thành công?".

Với các chủ đề bám sát tình hình đất nước và TP HCM, Báo Người Lao Động mong muốn đóng vai trò là "cầu nối" để người dân trong nước thuộc mọi giới, mọi ngành và kiều bào ta ở nước ngoài gửi gắm những ý kiến, ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của mình dưới dạng bài báo hoặc kết quả nghiên cứu khoa học có tính thực tế, khả thi nhằm đóng góp vào sự vực dậy và phát triển của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung sau đại dịch COVID-19.

TS - Nhà báo Tô Đình Tuân cho biết Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều bài thi có chất lượng cao và đăng tải 87 bài hiến kế đầy tâm huyết của các tác giả đến từ nhiều thành phần trong xã hội; trong đó phải kể đến những chuyên gia, trí thức yêu nước thuộc nhiều lĩnh vực với mong muốn đóng góp một phần trí tuệ của mình cho TP HCM đã gửi tác phẩm về báo. 

Mỗi tác phẩm thực sự là những kế sách, giải pháp, ý tưởng hay đóng góp cho sự phát triển và vươn lên không ngừng của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

"Qua 3 lần tổ chức, có thể nhận thấy mỗi tác phẩm gửi đến Báo Người Lao Động chính là những trăn trở, tâm huyết của các tác giả, là ý thức trách nhiệm và tình cảm yêu quý dành cho TP HCM"- Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhấn mạnh.

Điển hình như tác phẩm "Vực dậy bằng kinh tế số" của tác giả Lê Đăng Doanh với nhiều giải pháp vĩ mô để hỗ trợ tốt hơn công cuộc chuyển đổi số, tiến tới nền kinh tế số toàn diện. 

Hay như tác phẩm "Cải cách môi trường kinh doanh để phục hồi kinh tế" của tác giả Nguyễn Đình Cung đưa ra những ý tưởng chính sách giúp cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng.

Với ý tưởng đóng góp cho các chính sách an sinh, xã hội, tác giả Nhật Quang với tác phẩm "Để có nhà ở tốt, giá cả phải chăng" nhằm giải quyết vấn đề nhà ở giúp người dân an cư.

Ban Tổ chức đã tiến hành chấm sơ khảo, chọn ra 20 tác phẩm chuyển cho Hội đồng Chung khảo chấm trên bài báo để chọn ra các bài xuất sắc nhất. 

Những hiến kế đoạt giải phải đáp ứng các tiêu chí: tính khả thi và khả năng thực hiện cao; hiệu quả kinh tế; phạm vi ảnh hưởng, quy mô; tính sáng tạo, tính mới; tính bền vững và khả năng nhân rộng. 

Qua đây, cuộc thi góp phần vào việc xây dựng TP HCM nói riêng và cả nước nói chung và phục vụ tốt cho đời sống của người dân ngày càng tốt hơn.

Phát động Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 4

Tại lễ trao giải, TS – Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đã phát động Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 4.

TS – Nhà báo Lê Đình Tuân cho biết qua 3 lần tổ chức cuộc thi, Báo Người Lao Động đã nhận được rất nhiều ý tưởng, hiến kế hay mà theo đánh giá của lãnh đạo TP HCM là một tài sản vô cùng quý báu thể hiện sự quan tâm, tình yêu của người dân đối với thành phố. Đó cũng thể hiện sự tự hào, niềm mong mỏi của rất nhiều tầng lớp nhân dân để duy trì sự phát triển, đầu tàu kinh tế của thành phố nằm trong tổng thể sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Đến nay, dù Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 đã khép lại, Ban Tổ chức vẫn nhận được nhiều ý tưởng, giải pháp, hiến kế xây dựng chính sách của nhiều chuyên gia, trí thức yêu nước và người dân với mong mỏi được đóng góp, gửi gắm đến lãnh đạo thành phố. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố trong nhiều vấn đề vẫn cần và luôn luôn lắng nghe ý kiến người dân.

Từ thực tế đó, Ban Biên tập Báo Người Lao Động quyết định phát động Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 4 với chủ đề "Chỗ ở và nhà ở cho người có thu nhập thấp" từ ngày 5-10-2022 đến hết ngày 30-6-2023. Dự kiến, lễ trao giải vào dịp kỷ niệm 48 năm Ngày thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2023).

Bài dự thi tập trung vào từng chủ đề bám sát thực tế và nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong từng giai đoạn; từ đó, đem lại những "kế sách" hiệu quả thiết thực hơn, có thể ứng dụng thực tiễn nhanh hơn

Tác phẩm hiến kế gửi về Báo Người Lao Động là những tác phẩm chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào. Ngoài các bài viết để đăng báo (không quá 1.500 chữ), tác giả có thể gửi kèm đề án, phương án triển khai, giải pháp thực hiện. Thể lệ cuộc thi, cơ cấu giải thưởng sẽ được Ban Tổ chức đăng tải rộng rãi trên các ấn phẩm Báo Người Lao Động.