Công nghệ như "phim viễn tưởng" của Nhật Bản: Ai già quá không lao động được, chuyển hết cho robot làm thay!

Robot hoạt động bằng 5G giúp nông dân phun thuốc trừ sâu, cắt cỏ từ xa và thực hiện các công việc đòi hỏi thể lực khác vốn gây khó khăn cho lực lượng lao động già.

Thực trạng lực lượng lao động già đi và dân số giảm của Nhật Bản đang có những ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp nước này.

Cuộc điều tra dân số nông lâm năm 2020 cho thấy từ năm 2015 đến năm 2020, số lượng lao động nông nghiệp ở Nhật Bản đã giảm hơn 20%. Trong số những công nhân nông trại còn lại, gần 70% là từ 65 tuổi trở lên.

Trong nỗ lực phục hồi ngành công nghiệp, các công ty tư nhân và chính quyền địa phương đang hợp tác để phát triển các công nghệ có thể giảm bớt áp lực cho những người nông dân già và lực lượng lao động đang bị thu hẹp.

Trong đó, công nghệ Internet di động 5G – thứ mà người ta nghĩ chỉ hữu ích trên điện thoại di động – lại đang đóng một vai trò quan trọng.

Công nghệ như "phim viễn tưởng" của Nhật Bản: Ai già quá không lao động được, chuyển hết cho robot làm thay! - Ảnh 1.

Giám sát từ xa

Nông dân Nhật Bản là lực lượng rất cần thiết để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, lúa mạch và lúa mì, cũng như đảm bảo nhu cầu lương thực trong nước.

Abe Masakuza, người đứng đầu chiến lược quản lý và triển khai tại NTT AgriTechnology, bộ phận sản xuất nông nghiệp của Nippon Telegraph and Telephone, cho biết công nghệ nông nghiệp thông minh có thể giúp hoạt động ngành trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn khi lực lượng lao động thay đổi.

"Cách tiếp cận này thân thiện với môi trường, loại bỏ thời gian đi lại, cho phép các chuyên gia hỗ trợ nhiều nông dân hơn trong khoảng thời gian giới hạn, góp phần giảm tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp và hiện thực hóa hoạt động canh tác có lợi nhuận", ông Masakuza cho biết.

Nông nghiệp thông minh đã được NTT AgriTechnology đưa vào ngành nông nghiệp Nhật Bản từ năm 2020 trong một dự án kéo dài ba năm.

Các chuyên gia từ trung tâm nghiên cứu nông nghiệp ở Tachikawa, Tokyo, đã hỗ trợ nông dân trồng trọt ở thành phố Chōfu hoàn toàn từ xa thông qua công nghệ 5G.

Cùng năm đó, robot máy kéo nông nghiệp 5G đầu tiên đã xuất hiện ở Iwamizawa, một thành phố ở miền Bắc Nhật Bản.

Cỗ máy này được tạo ra thông qua sự hợp tác giữa Đại học Hokkaido, NTT và chính quyền địa phương, đồng thời chứng minh rằng 5G có khả năng truyền lượng lớn thông tin từ máy kéo đến các địa điểm giám sát dữ liệu một cách đáng tin cậy.

Robot máy kéo và robot kết nối 5G cho phép nông dân giám sát từ xa cây trồng trên nhiều cánh đồng từ một địa điểm duy nhất và nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia.

Robot hoạt động bằng 5G cũng giúp nông dân phun thuốc trừ sâu, cắt cỏ từ xa và thực hiện các công việc đòi hỏi thể lực khác vốn gây khó khăn cho lực lượng lao động già.

Công nghệ như "phim viễn tưởng" của Nhật Bản: Ai già quá không lao động được, chuyển hết cho robot làm thay! - Ảnh 2.

Masakuza cho biết, điều quan trọng là 5G cho phép nông dân truyền tải cảnh quay 4K trong thời gian thực nhờ băng thông lớn, điều vốn là thách thức lớn nếu thực hiện trên mạng WiFi thông thường.

Công nghệ mới giúp nông dân theo dõi bệnh cây trồng và tạo ra lịch trình thu hoạch, đồng thời điều hướng các điều kiện có thể thay đổi hàng ngày. Quan trọng hơn nữa, độ trễ thấp tích hợp trong công nghệ 5G đảm bảo rằng các chuyên gia có thể vận hành robot một cách an toàn.

"Khả năng dừng hoạt động nhanh và điều khiển robot từ xa là rất quan trọng xét từ quan điểm an toàn", chuyên gia Masakuza nêu rõ. "Và 5G giúp robot có thể vận hành được theo cách này".

Nông dân được hưởng lợi từ hệ thống vì nó cho phép họ nhận được hỗ trợ từ các chuyên gia hàng ngày, thay vì hỗ trợ hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng như trước đây.

Masakuza nói: "Họ không còn phải kiểm tra cây trồng hàng ngày nữa. Hình ảnh và dữ liệu có thể được thu thập và phân tích dễ dàng."

Tại thành phố Chōfu, NTT đã xây dựng các nhà kính hoàn toàn tự động, nơi nông dân sử dụng công nghệ hỗ trợ 5G như kính thông minh để kiểm soát các biến số bao gồm nhiệt độ và độ ẩm, giảm bớt gánh nặng bảo vệ cây trồng khỏi thời tiết khắc nghiệt.

5G là tương lai

Mạng 5G của Nhật Bản đã tiếp cận khoảng 55,5% dân số, với mục tiêu phủ sóng 95% vào cuối năm 2023. Hầu hết phạm vi phủ sóng này đến từ các nhà cung cấp phục vụ mạng công cộng.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất trang trại thông minh đang hy vọng tăng cường phát triển mạng tư nhân, địa phương, để phủ sóng đến các vùng nông nghiệp nông thôn.

Shahid Ahmed, phó chủ tịch điều hành liên doanh đổi mới tại NTT, cho biết mạng 5G tư nhân tốt hơn cho nông nghiệp vì chúng có khả năng tùy chỉnh cao hơn để đáp ứng nhu cầu của điều kiện địa phương và có thể phủ sóng các khu vực nông thôn một cách tốt hơn.