Sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng và báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật và công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2022.
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh lưu ý tình trạng xâm hại trẻ em tuy có giảm về số lượng, nhưng một số vụ việc phát hiện thời gian vừa qua lại có tính chất nghiêm trọng hơn.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Thắng
Ông Vinh thông tin, vừa qua ở TP HCM đã đưa ra xét xử việc bạo hành cháu bé dẫn đến tử vong. Thời gian tới, đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục xét xử nghiêm một số vụ việc khác.
Các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu quy định của pháp luật liên quan đến việc nếu vợ chồng ly hôn thì giao quyền nuôi con thế nào, bởi nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra là do năng lực người nuôi dạy không đảm bảo.
Ông Vinh cũng lưu ý đến hiện tượng có những vụ việc chống người thi hành công vụ có tính chất nghiêm trọng như lao xe vào CSGT, cầm dao chém công an ở trụ sở UBND .
"Qua một số vụ việc vừa rồi, chúng tôi cho rằng cần phải có biện pháp bảo vệ người thi hành công vụ. Quy định phải có để vừa đảm bảo tôn trọng người dân, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn cho người thực thi công vụ", ông Vinh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cần đánh giá mức độ tội phạm, nhất là các hành vi, hành động tội phạm, bởi có những vụ việc có những hành động rất tàn ác, nhất là với trẻ em. Cần phân tích, tìm ra nguyên nhân để đề xuất các giải pháp hữu hiệu, ngăn chặn các vụ việc tương tự.
Ông Tùng cũng nêu tình trạng về tội phạm tham nhũng trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như chứng khoán, đấu thầu, đấu giá tài sản, xuất hiện các hành vi vi phạm về thẩm định giá, thẩm định thầu, chia nhỏ gói thầu, thao túng, bố trí quân xanh, quân đỏ, mua bán lòng vòng để nâng giá, nhất là liên quan đến đất đai.
"Báo cáo cần làm rõ thêm nguyên nhân vì sao, dù nhiều vụ án kinh tế lớn thời gian vừa qua được xử lý rất nghiêm nhưng chưa có dấu hiệu suy giảm loại này, mà còn tăng thêm trên 33%. Đặc biệt là các vụ án liên quan đến Cty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cty FLC. Cần nghiên cứu để đẩy lùi loại tội phạm này", ông Tùng nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm liên quan một số vụ cháy lớn thời gian vừa qua, có giải pháp phù hợp để ngăn chặn, hạn chế.
Bên cạnh đó, ông Tùng nêu hiện đã triển khai rất tốt việc cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân nhưng để sử dụng hiệu quả cần có sự tương ứng, đồng bộ thiết bị. Vì vậy, cần có đánh giá cụ thể việc này.
Một vấn đề khác được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt ra là một số cơ quan, địa phương thu hồi sổ hộ khẩu của người dân chưa đúng, chưa phù hợp với Luật cư trú.
"Luật cư trú cho phép thu hồi sổ hộ khẩu trong một số trường hợp. Nhưng tại một số địa phương thực hiện chưa thật sự đúng quy định, dẫn đến có những ý kiến băn khoăn trong dư luận rằng thu hồi sổ hộ khẩu gây khó khăn cho người dân khi pháp luật quy định sổ hộ khẩu vẫn còn giá trị chứng minh nơi cư trú", ông Tùng nêu.
Ông đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn và có giải pháp, dự báo các vấn đề có thể gây khó khăn, vướng mắc khi hết năm 2022 theo quy định của Luật cư trú thì sổ hộ khẩu sẽ hết giá trị.