Chính phủ Úc tài trợ cho dự án nghiên cứu hợp nhất tế bào não người với AI

Dự án nghiên cứu về việc nuôi tế bào não người trên chip silicon có khả năng học hỏi liên tục nhằm mục đích chuyển đổi kỹ thuật học máy do Đại học Monash (Úc) dẫn đầu vừa nhận được khoản tài trợ gần 600.000 đô la Úc (khoảng 9,6 tỷ VNĐ) từ Chương trình Tài trợ các Nghiên cứu Khám phá Tình báo và An ninh Quốc gia Úc.

Dự án nghiên cứu này do phó giáo sư Adeel Razi đến từ Viện Nghiên cứu Não bộ và Sức khỏe Tâm thần Turner (Đại học Monash) dẫn đầu, cùng với công ty start-up Cortical Labs tại Melbourne phối hợp thực hiện. Việc các nhà khoa học làm là nuôi cấy khoảng 800.000 tế bào não sống trong một chiếc đĩa, sau đó “dạy” chúng thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu. Vào năm ngoái, nhóm nghiên cứu đã gây chú ý trên toàn cầu khi các tế bào não mà họ nuôi cấy thực hiện được trò chơi bóng bàn Pong đơn giản trên máy tính.

Theo phó giáo sư Adeel Razi, chương trình nghiên cứu sử dụng các tế bào não nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được gắn vào chip silicon nhằm kết hợp các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và sinh học tổng hợp để tạo ra các nền tảng điện toán sinh học có thể lập trình được.

Chính phủ Úc tài trợ cho dự án nghiên cứu hợp nhất tế bào não người với AI - Ảnh 1.

“Khả năng của công nghệ mới này trong tương lai có thể vượt qua hiệu suất của phần cứng làm từ silicon hiện có. Kết quả của nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều lĩnh vực như hoạch định, robot học, tự động hóa tiên tiến, giao diện máy tính-não và nghiên cứu phát triển thuốc, mang lại cho Úc nhiều lợi thế mang tính chiến lược” - Phó giáo sư Razi cho biết.

Cũng theo phó giáo sư, lý do khiến dự án nghiên cứu này nhận được tài trợ từ tổ chức tài trợ uy tín của Úc là bởi các thiết bị ứng dụng học máy mới như ô tô và xe tải tự lái, máy bay không người lái tự hành, robot giao hàng, thiết bị cầm tay và thiết bị đeo thông minh sau này sẽ cần đến một loại trí tuệ nhân tạo mới để có thể học hỏi liên tục trong suốt vòng đời của nó.

“Học hỏi liên tục suốt đời” có nghĩa là máy móc có thể tiếp nhận các kỹ năng mới mà không ảnh hưởng đến các kỹ năng cũ, thích nghi với những thay đổi và áp dụng kiến thức đã học trước đó vào các nhiệm vụ mới. Chúng làm tất cả những việc đó trong khi vẫn bảo tồn các tài nguyên hạn chế như năng lực tính toán, bộ nhớ và năng lượng. AI hiện tại không thể làm được điều này vì chúng mắc phải vấn đề lãng quên. Trong khi đó, não bộ hoàn toàn vượt trội về khả năng học tập liên tục suốt đời.

Mục đích của dự án là nuôi các tế bào não người trong đĩa thí nghiệm có tên gọi hệ thống DishBrain, để tìm hiểu về các cơ chế sinh học đa dạng của khả năng học tập liên tục suốt đời.

“Chúng tôi sẽ sử dụng khoản tài trợ này để phát triển các máy móc AI có thể sao chép khả năng học tập của mạng lưới thần kinh sinh học. Điều này sẽ giúp chúng tôi nâng cao cấu trúc và khả năng của phần cứng đến khi chúng đủ khả năng thay thế cho phương pháp phân tích bằng máy tính” - phó giáo sư Adeel Razi cho biết.