Châu Á - Thái Bình Dương không còn là khu vực du lịch lớn nhất

Dự báo phải tới năm 2023-2024, khu vực này mới vực dậy được những con số ấn tượng về du lịch như thời điểm trước đại dịch.

Du lịch châu Á - Thái Bình Dương sắp bị châu Âu "vượt mặt". Ảnh: Unsplash.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực sở hữu một số điểm đến được yêu thích nhất trên thế giới như Bali hay Singapore. Những điểm nóng về du lịch cùng với sức mạnh giao thương đã giúp châu Á - Thái Bình Dương giữ vững danh hiệu khu vực du lịch lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, các điểm đến nổi tiếng như Trung Quốc và Nhật Bản mở cửa tương đối chậm đã khiến việc đi lại bằng đường hàng không ở khu vực này ở mức thấp so với trước đại dịch.

Trong một báo cáo mới của các nhà phân tích ngành du lịch quốc tế thuộc Trung tâm Hàng không (CAPA), dự đoán châu Á - Thái Bình Dương sẽ không còn là khu vực du lịch lớn nhất thế giới vào cuối năm nay. Danh hiệu này sẽ nhường lại cho châu Âu.

Cũng theo CAPA, châu Á - Thái Bình Dương từng chiếm hơn 1/3 tổng chuyến bay của hành khách trên toàn cầu. Hiện tại, con số này đã giảm 45% so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Trong khi đó, việc đi lại bằng đường hàng không ở châu Âu đã khôi phục khoảng 85%. Dữ liệu này đã được tính toán dựa trên cả tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.

du lich chau A,  phuc hoi du lich anh 1

Du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán khó hồi phục như thời điểm trước dịch. Ảnh: Unsplash.

Phục hồi chậm

Vào năm 2019, số hành khách quá cảnh ở các sân bay châu Á - Thái Bình Dương là 3,38 tỷ người. Tuy nhiên, con số này sẽ chỉ đạt 1,84 tỷ lượt vào cuối năm nay, theo dự đoán của Tổ chức hàng không châu Á - Thái Bình Dương (ACI).

Yếu tố quan trọng nhất dẫn đến việc châu Á - Thái Bình Dương bị "vượt mặt" chính là những rào cản khi nhập cảnh do Covid-19. Nhật Bản và Trung Quốc, hai trong số những thị trường du lịch hàng đầu khu vực, có kế hoạch mở cửa du lịch khá trễ so với nhiều điểm đến khác.

Báo cáo CAPA cho thấy du lịch tại các điểm đến ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn thấp hơn 50% so với năm 2019, ngoại trừ Ấn Độ chỉ giảm 11%.

Du lịch nội địa ở châu Á - Thái Bình Dương đang phục hồi nhanh hơn so với du lịch quốc tế, theo CAPA. Ví dụ như du lịch nội địa ở Trung Quốc chỉ giảm 5,4% so với mức năm 2019.

Nhìn chung, CAPA dự đoán du lịch bằng đường hàng không của châu Á - Thái Bình Dương sẽ chưa thể hồi phục trở lại như thời điểm trước đại dịch cho đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.