Chặn 'lệch chuẩn' trên không gian mạng

Khi việc xử phạt hành chính chưa đủ tính răn đe, TP HCM tìm kiếm thêm nhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trên không gian mạng. Nhất là ngăn chặn kịp thời các hành vi “lệch chuẩn”, vốn là nguyên nhân trực tiếp đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội, nhất là giới trẻ trong thời gian gần đây.

Chặn 'lệch chuẩn' trên không gian mạng - Ảnh 1.

Công an TPHCM làm việc với trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vào tháng 6/2023. Ảnh: CACC.

Mức phạt chưa đủ răn đe

Cách đây chưa lâu, việc Tiktoker Phạm Đức Tuấn (nickname “Nờ Ô Nô”, quê Kiên Giang) có hành vi đăng tải một số video clip bẩn, với nội dung miệt thị, xúc phạm người nghèo từng là chủ đề gây bức xúc dư luận.

Sau đó, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM đã phải vào cuộc, phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an TPHCM làm việc với chủ tài khoản TikTok này. Trong đó, Tiktoker “Nờ Ô Nô” đã thừa nhận việc đăng tải các đoạn video clip có nội dung phản cảm, không tôn trọng người già, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người khác, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Sau khi làm việc, cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với chủ tài khoản Titoker kể trên với mức phạt là 7,5 triệu đồng.

Ngay sau vụ việc này, đã có nhiều tọa đàm được tổ chức để “mổ xẻ”, cho rằng việc chưa có chế tài nghiêm khắc trước sự “nở rộ” của nhiều mạng xã hội, sẽ còn khiến các hành vi “lệch chuẩn”, tác phẩm hình ảnh và video độc hại tiếp tục tái diễn trong tương lai. Ý kiến của các chuyên gia tâm lý, nhà nghiên cứu xã hội học đã không sai, khi liên tiếp trong vài tháng gần đây, trên cả nước tiếp tục phát hiện nhiều status (dòng trạng thái), bài đăng (trên mạng xã hội) hay video clip với nội dung độc hại, phản văn hóa, rất đáng lên án.

Theo ThS Nguyễn Công Hoài Lương (hiện sống tại TPHCM), một người nghiên cứu nhiều năm về văn hóa giới trẻ thời “GenX, GenZ” đã dẫn trường hợp Công an TPHCM vào cuộc phát hiện và xử lý đối với 2 chủ tài khoản Facebook (gồm T.T.L.C. (SN 1973, ngụ tại Hóc Môn) và T.H.L. (SN 1976, ngụ tại quận 12) vào tháng 6/2023 vì có hành vi đăng tải nội dung sai sự thật liên quan vụ việc nhóm người tấn công trụ sở UBND xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, từng gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.

Theo ThS Lương, sự thiếu thông tin hoặc chưa tìm hiểu đầy đủ, khách quan một sự kiện cụ thể của người dùng mạng xã hội, các đối tượng đã lợi dụng “kẽ hở” để lan truyền các thông tin giả (fakenews) hoặc thông tin độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dùng mạng, nhất là giới trẻ. Từ việc chỉ là các thông tin giả mạo, nhưng khi được truyền miệng hoặc lan truyền từ người này qua người khác, sẽ tạo ra hiệu ứng xấu, khó kiểm soát, đồng thời là nguyên nhân gây mất an ninh, trật tự. Hiện nay, cả 2 tài khoản Facebook trên sau khi làm việc với cơ quan công an, đã bị xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng/người”.

“Mức xử phạt rất nhẹ, chưa đủ răn đe này sẽ chỉ như “muối bỏ biển” chứ chưa thể quản lý một cách hiệu quả các thông tin giả, độc hại, hình ảnh phản văn hóa đang lan tràn trên các mạng xã hội hiện nay” - ThS Lương nêu quan điểm.

Trước đó, chỉ riêng liên quan đến dịch bệnh Covid-19, Sở TTTT TPHCM phối hợp với các Cục liên quan thuộc Bộ TTTT đã thực hiện biện pháp gỡ bỏ 112 bài viết trên tài khoản mạng xã hội, gần 200 videos trên các kênh Youtube và ứng dụng TikTok có nội dung sai sự thật, xuyên tạc sự thật liên quan đến dịch bệnh này. Dù vậy, cũng chỉ có vài vụ việc bị điều tra mở rộng và xử lý hình sự theo Điều 331 Bộ luật Hình sự (năm 2015) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; Quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đây là một thực tế, được chính lãnh đạo Sở TTTT TPHCM nhìn nhận, chưa đủ tính răn đe cần thiết trong quản lý không gian mạng xã hội hiện nay.

Cần tiếp cận nhiều giải pháp

Tại nhiều diễn đàn, Công an và Sở TTTT TPHCM cũng đã đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn để xử lý cương quyết, áp dụng các biện pháp mạnh hơn nhằm hạn chế các trường hợp lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với sự chủ động từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, tại tọa đàm với chủ đề “Giới trẻ Việt Nam hiện nay: thực trạng, những vấn đề đặt ra về văn hóa, giáo dục và những giải pháp” mới đây, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng hiến kế nhiều giải pháp để ngăn chặn các phản văn hóa, hành vi “lệch chuẩn” trên không gian mạng.

Trong đó, GS.TS Trần Ngọc Thêm (Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM - ĐH Quốc gia TPHCM) chỉ ra rằng, đặc điểm nổi bật rõ nhất của giới trẻ hiện nay là hướng ngoại và năng động. Do hướng ngoại nên rất dễ tiếp thu cái mới và hấp thụ các ảnh hưởng ngoại lai; còn tính năng động thì ưa thay đổi, phát triển. Do các đặc điểm này, thời gian qua trong giới trẻ xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường, phá cách, lệch chuẩn, “gây sốc” cho xã hội, được xem là làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống.

GS.TS Trần Ngọc Thêm dẫn chứng các hành vi chuộng các loại thời trang “sành điệu” với áo hai dây, mốt đầu trọc, hình xăm trổ… Hoặc, thời gian gần đây một thực trạng đáng lo ngại khác là hiện tượng ngôn ngữ “tuổi teen”, sùng bái thần tượng nước ngoài, phổ biến yêu đương đồng tính… tiếp tục “hot trend” trên các diễn đàn mạng. Do đó, ông Thêm cho rằng, thay vì định kiến đối với giới trẻ hoặc có thái độ xem thường giới trẻ của người lớn tuổi sẽ chỉ càng làm cho “bi kịch của sự phát triển” trở nên nặng nề thêm. Thay vào đó, cách ứng xử đúng với những hiện tượng “lệch chuẩn” của giới trẻ phải bắt đầu từ việc khắc phục những sai lệch của chính xã hội.

Theo TS Ngô Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM), muốn tác động đến nhận thức giới trẻ hiện nay thì cần thay đổi quan niệm về thanh niên, đặt thanh niên đúng vị trí của họ trong xã hội. Nhiều chuyên gia cũng đồng thuận quan điểm cho rằng, hiện nay các quan niệm cũ với cái nhìn “ngựa non háu đá” hay “cá không ăn muối cá ươn” là không phù hợp. Thay vào đó, cần biết khai thác lợi thế về nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo của thanh niên. Nhất là, cần tạo được không gian phù hợp cho các hoạt động của thanh niên, thu hút thanh niên chung tay đóng góp cho xã hội.