Những công ty công nghệ lớn nhất thế giới sắp phải đối mặt với sự giám sát pháp lý chưa từng có khi Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU áp đặt các quy định mới về kiểm duyệt nội dung, tính minh bạch và quyền riêng tư của người dùng.
Cụ thể, từ ngày 25/9, một loạt "gã khổng lồ" công nghệ sẽ phải đối mặt với các quy định mới ở EU, bao gồm cả việc ngăn chặn nội dung có hại từ việc lan truyền, cấm hoặc hạn chế một số hoạt động nhắm tới mục tiêu người dùng nhất định và chia sẻ một số dữ liệu nội bộ với các cơ quan quản lý cùng các nhà nghiên cứu liên quan.
Hiện tại, các quy tắc chỉ áp dụng cho 19 nền tảng trực tuyến lớn nhất, đó là: AliExpress, Amazon Store, Apple App Store, Bing, Booking.com, Facebook, Google Play, Google Maps, Google Search, Google Journal. Các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm nằm trong danh sách đều đang có hơn 45 triệu người dùng tại EU mỗi tháng (dân số châu Âu hiện tại là khoảng 747 triệu nhé). Tuy nhiên, danh sách này chưa phải là cuối cùng và có thể các nền tảng khác sẽ được thêm vào. Từ giữa tháng 2/2024, bất kỳ doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ kỹ thuật số cho người châu Âu cũng phải tuân thủ DSA nhưng họ sẽ phải đối mặt với ít nghĩa vụ hơn so với các nền tảng lớn nhất và có thêm 6 tháng nữa trước khi phải chấp hành quy định mới.
Các quy định của DSA xoay quanh 5 vấn đề then chốt. Vấn đề đầu tiên là sản phẩm phi pháp, trong đó nền tảng phải đối phó với hoạt động mua bán sản phẩm, dịch vụ trái phép. Chịu ảnh hưởng lớn nhất là Amazon và Facebook Marketplace.
Thứ hai, EU yêu cầu các công ty công nghệ ngăn chặn nội dung bất hợp pháp, trong đó bao gồm tin giả, can thiệp tới bầu cử, kích động bạo lực, quấy rối và lạm dụng trẻ em trên mạng.
Ngoài ra, EU cũng cấm chạy quảng cáo nhắm vào trẻ em dựa trên dữ liệu cá nhân, đồng thời phải tái thiết kế hệ thống để bảo đảm "mức độ riêng tư, bảo mật và an toàncho trẻ nhỏ".
Tiếp đó, những doanh nghiệp vận hành mạng xã hội sẽ không được sử dụng dữ liệu cá nhân, như chủng tộc, giới tính và tôn giáo của người dùng, để chạy quảng cáo hướng tới các đối tượng này.
Cuối cùng, EU cấm hoàn toàn những biện pháp thao túng tâm lý và khuyến khích người tiêu dùng mua những thứ mà họ không cần. Kết quả thanh tra gần 400 cửa hàng trực tuyến trong năm 2023 cho thấy, 40% trong số này dựa vào "các thủ đoạn thao túng" để nhắm vào điểm yếu của người tiêu dùng.
EU được coi là khu vực dẫn đầu toàn cầu về việc đưa ra các quy định về công nghệ, với nhiều bộ luật có phạm vi rộng hơn, chẳng hạn như Đạo luật Thị trường kỹ thuật số và Đạo luật AI, đang được triển khai. Thành công của khối trong việc thực thi các luật như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc đưa ra các quy định tương tự trên khắp thế giới.
Sau khi đạo lực có hiệu lực, bất kỳ công ty nào bị phát hiện vi phạm DSA đều phải đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu. Nếu công ty nào vi phạm nhiều lần thì sẽ có thể bị cấm hoạt động hoàn toàn ở châu Âu.