Các nhà lập pháp Mỹ gặp các đại gia công nghệ bàn thảo về AI

Ngày 13/9, các nhà lập pháp Mỹ đã tổ chức một cuộc gặp với các đại gia công nghệ tại Đồi Capitol (trụ sở Quốc hội) để thảo luận quy định liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Tham gia cuộc gặp có những gương mặt nổi bật trong lĩnh vực này như Giám đốc điều hành (CEO) của nền tảng mạng xã hội X, tỷ phú Elon Musk; cùng các CEO của Meta, Alphabet, Nvidia, IBM, Microsoft, cựu Giám đốc điều hành Microsoft Bill Gates và Chủ tịch liên đoàn lao động AFL-CIO Liz Shuler. Hơn 60 thượng nghị sĩ đã tham gia cuộc gặp.

Cuộc gặp được tổ chức trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ đang tìm cách giảm thiểu mối nguy hiểm của công nghệ mới nổi, vốn đã bùng nổ về mức độ đầu tư và mức độ phổ biến của người tiêu dùng kể từ khi ra mắt ứng dụng chatbot ChatGPT của OpenAI.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, tỷ phú Musk đã kêu gọi tạo lập cơ chế trọng tài về AI, bởi cần có cơ quan quản lý để đảm bảo việc sử dụng AI an toàn. Ông khẳng định: “Điều quan trọng đối với chúng ta là phải có trọng tài. Cơ quan quản lý sẽ đảm bảo rằng các công ty thực hiện các hành động an toàn và vì lợi ích của công chúng”.

Tỷ phú Musk nhận định cuộc gặp trên là “vì toàn thể nhân loại" và "có thể đi vào lịch sử vì đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của nền văn minh." Ông cũng xác nhận đã từng so sánh AI là “con dao hai lưỡi”. Tháng 3 vừa qua, ông cùng một nhóm chuyên gia và CEO trong lĩnh vực AI đã kêu gọi tạm dừng 6 tháng việc phát triển các hệ thống mạnh hơn GPT-4 của OpenAI, với lý do tiềm ẩn những rủi ro cho xã hội.

Về phần mình, CEO của Meta, ông Zuckerberg kêu gọi Quốc hội "nên làm việc về vấn đề AI để hỗ trợ đổi mới và bảo vệ. Đây là một công nghệ mới nổi, phải có các thể chế quản lý đảm bảo sự cân bằng và chính phủ chịu trách nhiệm cuối cùng". Theo ông, "sẽ tốt hơn khi có tiêu chuẩn được tạo ra bởi các công ty có thể hợp tác với chính phủ và tạo mô hình tương tự trong các vấn đề quan trọng".

Các nhà lập pháp cho biết các bên đã đạt nhất trí chung về sự cần thiết phải có quy định của chính phủ về AI. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, người tổ chức diễn đàn, ông Chuck Schumer (đảng Dân chủ) nhận định: “Chúng ta đang bắt đầu thực sự giải quyết một trong những vấn đề quan trọng nhất mà thế hệ tiếp theo phải đối mặt và chúng ta đã có một khởi đầu tuyệt vời cho vấn đề đó ngày hôm nay. Còn một chặng đường dài phía trước". Ông cũng nhấn mạnh cần có quy định trước cuộc tổng tuyển cử Mỹ năm 2024.

Về phần mình, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Todd Young, người đồng chủ trì diễn đàn, bày tỏ tin tưởng rằng các ủy ban thẩm quyền của Thượng viện sẽ sẵn sàng bắt đầu quá trình xem xét chủ đề này. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Rounds cảnh báo sẽ cần thời gian để Quốc hội hành động.

Các nhà lập pháp muốn có các biện pháp bảo vệ chống lại các hành vi giả mạo tiềm ẩn nguy hiểm như video không có thật, can thiệp bầu cử và các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng.

Cuộc gặp đặc biệt trên diễn ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý trên toàn cầu đang nỗ lực xây dựng các quy tắc quản lý việc sử dụng AI tạo sinh, có thể tạo văn bản và tạo ra hình ảnh có nguồn gốc nhân tạo hầu như không thể phát hiện được.

Trong một diễn biến liên quan ngày 13/9, công ty Adobe, IBM, Nvidia và 5 công ty khác cho biết đã ký các cam kết AI tự nguyện của Tổng thống Joe Biden nhằm yêu cầu các bước như đánh dấu nội dung do AI tạo ra. Các cam kết này được công bố hồi tháng 7 nhằm đảm bảo sức mạnh của AI không bị sử dụng vào mục đích phá hoại. Google, OpenAI và Microsoft đã ký kết vào tháng 7. Nhà Trắng cũng đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp về AI.