Bức xúc thông tin cá nhân bị lộ lọt, nghi ngờ trục lợi

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, dư luận nghi ngờ những thông tin cá nhân đang bị một số cơ sở kinh doanh trao đổi, mua bán nhằm mục đích trục lợi và yêu cầu pháp luật phải có những biện pháp để xử lý nghiêm.

Bức xúc thông tin cá nhân bị lộ lọt, nghi ngờ trục lợi - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ

Chưa bao quát đầy đủ

Chiều 5/4, đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi.

Quan tâm đến các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, một trong những vấn đề đang gây phiền phức, bức xúc cho người tiêu dùng hiện nay, là những thông tin cá nhân của họ bị lộ lọt, rao bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo bà Thuỷ, dư luận nghi ngờ những thông tin cá nhân đang bị một số cơ sở kinh doanh trao đổi, mua bán nhằm mục đích trục lợi, và yêu cầu pháp luật phải có những biện pháp để xử lý nghiêm.

“Nghiên cứu dự thảo tôi thấy, đến thời điểm hiện nay, dự thảo cũng đã đặt ra một số hành vi bị nghiêm cấm như hành vi thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin. Tuy nhiên, tôi thấy những quy định này chưa bao quát được đầy đủ những hành vi có tính chất phổ biến xảy ra trong thời gian gần đây. Đồng thời, đối chiếu với một số pháp luật liên quan, chúng tôi cũng thấy chưa đầy đủ”, bà Thuỷ cho hay.

Bà Thủy ví dụ với Điều 38 của Bộ Luật Dân sự, hay Điều 7, Luật An toàn thông tin mạng. Trên cơ sở đó, bà đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như hành vi cung cấp, chia sẻ, phát tán, mua bán và trao đổi trái phép thông tin của người tiêu dùng, đồng thời đề nghị rà soát thêm một số pháp luật liên quan khác đang cấm những hành vi này để bảo đảm bao quát và đầy đủ.

Bức xúc thông tin cá nhân bị lộ lọt, nghi ngờ trục lợi - Ảnh 2.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

Cơ chế bảo vệ phải thật sự khả thi

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá cao những nội dung đã rà soát, đang hướng tới, làm sao để những cơ chế bảo vệ thật sự phải khả thi và đi được vào thực tiễn, tức là bảo vệ một cách hữu hiệu nhất đối với người tiêu dùng.

“Chúng ta ngồi đây cũng đều là người tiêu dùng và chúng ta phải tìm được những cơ chế nào đó để thật sự có hiệu quả”, ông An cho hay.

Cũng liên quan đến Điều 10, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, ông An đồng tình với việc tiếp thu, chỉnh lý với rất nhiều nội dung lâu nay được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

“Những điều cấm ở đây chứng tỏ là gì? Những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào vi phạm chúng ta sẽ xử lý và nếu thực hiện được tốt các điều cấm, cụ thể là 12 điều cấm đối với tổ chức kinh doanh, 4 điều cấm với tổ chức kinh doanh số trên mạng thì có thể nói người tiêu dùng rất yên tâm. Tuy nhiên, có hiệu quả, khả thi hay không thì chắc chắn phải còn khâu thực thi và tôi đề nghị phải rà soát thêm xem còn các nội dung nào nữa không”, ông An nêu.

Liên quan đến vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị xã hội, theo ông, nếu làm tốt sẽ là một cuộc “cách mạng” bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những điều chỉnh, tiếp thu chưa đủ mạnh và có thể chưa tạo được động lực, cơ sở để các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là các hội tham gia việc khởi kiện, chủ động khởi kiện hoặc đại diện cho người tiêu dùng. Theo ông, nội dung này cũng cần tiếp tục được quan tâm.