Adeno là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, tuy nhiên nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật mắc thêm Adeno virus có nguy cơ tử vong cao.
Liên quan đến bệnh do virus Adeno (Adenovirus), ngày 24/9 Bộ Y tế cho biết, Bộ vừa cùng các chuyên gia họp gấp bàn giải pháp ứng phó.
Theo báo cáo, từ cuối tháng 8 đến nay, số ca bệnh mắc virus Adeno tăng cao. Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung Ương đã ghi nhận hơn 1.400 ca bệnh Adenovirus.
Trong 2 tuần từ 12/9 đến 21/9/2022, tỷ lệ các ca được phát hiện mắc Adenovirus chiếm 10% tổng các ca đến khám tại bệnh viện. Trong số ca nhiễm có 80% là bệnh nhi tại các quận huyện của Hà Nội. Đã có 7 trường hợp tử vong là các bệnh nhân mắc các bệnh lý nền, đồng nhiễm Adenovirus. Chỉ riêng ngày 22/9, tại Bệnh viện Nhi Trung Ương qua thăm khám các trẻ đến khám đã phát hiện 150 ca. Trong đó, một nửa số bệnh nhân này cần nhập viện.
Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai và số bệnh viện của Hà Nội, đã ghi nhận gần 100 ca được phát hiện mắc virus Adeno.
Tại cuộc họp, đại diện các bệnh viện cũng cho biết, do tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60%-70% số bệnh nhi đến khám. Do đó, dẫn tới tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm trong ngày, trong tuần.
Điều các chuyên gia lo ngại là các bệnh nhi mắc các bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng nếu đồng nhiễm Adenovirus sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng.
TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, việc nhiều trẻ mắc virus Adeno là vấn đề y tế công cộng cần quan tâm. Đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B. Tuy nhiên, nếu bệnh nhi đã mắc các bệnh lý nặng, phức tạp hoặc phải can thiệp phẫu thuật mắc thêm virus Adeno có nguy cơ tử vong cao.
Theo đó, các bệnh viện cần bố trí buồng riêng cho bệnh nhân hô hấp không nằm chung với bệnh khác; tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn như đeo khẩu trang, khử khuẩn…. không để lây lan dịch bệnh. Tăng cường công tác truyền thông không gây hoang mang trong cộng đồng.
Bộ Y tế sẽ cập nhật và ban hành hướng dẫn điều trị bệnh Adeno trong đó sẽ xây dựng tiêu chuẩn nhập viện đối với các ca mắc virus Adeno làm căn cứ cho các bác sĩ khi khám, chẩn đoán.
Đề nghị Sở Y tế Hà Nội lên kế hoạch và có phương án nếu bệnh nhân gia tăng thì có giải pháp để phân tuyến, thu dung, điều trị phù hợp, cần chủ động, theo dõi chặt diễn biến, theo dõi báo cáo hằng ngày và báo cáo Bộ, có phương án chuẩn bị các khu hồi sức cho bệnh nhân nặng.
Bên cạnh đó, để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do virus Adeno, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Bệnh do virus Adeno gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân-Hè hoặc Thu-Đông.
Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.
Virus Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Trẻ nhiễm virus Adeno thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.
Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ như: hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau cần đưa đến bệnh viện ngay:
• Khó thở: thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản.
• Suy hô hấp hoặc giảm ô xy máu: tím, SpO 2 < 94%
• Có dấu hiệu toàn thân nặng: Nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng.
• Bệnh nền nặng: bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…
• Tổn thương trên X-quang phổi: tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi, abces phổi…
Trúc Chi (t/h Vietnam+, Phụ Nữ Việt Nam)