Đây là trường hợp được luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Đoàn luật sư TP HCM, chia sẻ tại hội thảo "Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng", do báo Tuổi Trẻ phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 19-9.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho biết trong quá trình làm việc và giảng dạy ở nhiều cơ sở pháp luật, bà đã nhận được rất nhiều phản ánh về việc bị lừa đảo tiền trên không gian mạng. Gần nhất, một người quen của luật sư Thảo được mời làm công việc "việc nhẹ lương cao", tương tác với các clip trên Facebook với hứa hẹn nhận được khoản thu nhập tốt.
"Từ 10.000 đồng ban đầu khi người quen của tôi nhận được nhờ công tương tác clip chuyển về tài khoản, bạn tôi mất tổng cộng hơn 25 tỉ đồng sau nhiều lần bị dẫn dụ. Nạn nhân đã trình báo công an, tố giác tội phạm nhưng quá trình tìm kiếm kẻ lừa đảo rất gian nan" - luật sư Phương Thảo kể.
Khách hàng giao dịch trực tuyến tuyệt đối không chia sẻ mã OTP cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào để tránh mất tiền oan
Tại hội thảo, các chuyên gia, luật sư, chuyên gia công nghệ cũng chia sẻ và cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo trực tuyến.
Ông Đoàn Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước, cho biết lừa đảo trực tuyến không mới và là một thực trạng trong bối cảnh có nhiều tài khoản ngân hàng không chính chủ, tài khoản "rác", gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Hiện Chính phủ đã có đề án 06, trong đó Bộ Công an làm đầu mối và Ngân hàng Nhà nước phối hợp để kết nối dữ liệu ngân hàng với dữ liệu quốc gia về dân cư, "làm sạch" dữ liệu ngân hàng đang có.
Bộ Công an cũng đang hoàn thiện những cơ sở hạ tầng kết nối để tạo thuận lợi cho các ngân hàng kết nối vào nhằm xác thực dữ liệu. Việc làm sạch dữ liệu khách hàng sẽ làm giảm rất nhiều rủi ro trong hoạt động phòng chống tội phạm thanh toán, và giúp các cơ quan chức năng phòng chống tội phạm gian lận.
Để tránh bị lừa đảo, mất tiền oan, dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), khuyến cáo khách hàng gặp link gửi đến là không click vào; không tải app nếu không có trên kho ứng dụng của Google Play hay App Store. Những gì liên quan đến tư vấn tài chính qua điện thoại, mạng xã hội thì không nghe theo vì đa phần là lừa đảo, quấy rối…
"Những thông báo, cảnh báo lừa đảo qua các kênh chính thống như báo chí, thông tin từ ngân hàng, khách hàng nên đọc, tìm hiểu để phòng tránh. Đặc biệt, khách hàng chậm lại vài giây để đọc những thông tin gửi về điện thoại, ví dụ mã OTP để đọc kỹ nội dung.
Trong tin nhắn OTP gửi đến khách hàng, ngân hàng thường có nội dung "đây là giao dịch chuyển tiền, nếu nhập mã OTP thì tài khoản sẽ bị trừ tiền", khách hàng cần đọc kỹ để tránh mất tiền" - ông Từ Tiến Phát nói.
Nhận diện khuôn mặt khi chuyển tiền
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, để hạn chế lừa đảo, gian lận trong hoạt động thanh toán, cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trong đó có vai trò của ngân hàng và người dùng.
"Theo thống kê, 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu, còn lại là chuyển trên 10 triệu đồng. Do vậy, tới đây sẽ có quy định hạn mức buộc phải xác thực sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) khi chuyển tiền liên ngân hàng, có thể là mức 10 triệu đồng. Giải pháp này cũng sẽ vô hiệu hóa luôn nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng đã tồn tại suốt thời gian qua" - ông Lê Anh Dũng nói.