Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Theo báo của của Bộ GTVT, tính đến 31/7/2022, có 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines (bao gồm VASCO), Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines đang khai thác thường lệ 69 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. HCM với 19 sân bay địa phương.
Trên thị trường quốc tế, hơn 60 hãng hàng không nước ngoài và 04 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) khai thác 110 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 24 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Số lượng hãng hàng không nước ngoài có chuyến bay chuyên chở hàng hóa thường lệ bằng tàu bay chuyên dụng đến Việt Nam là 47 hãng hàng không.
Theo Bộ GTVT, IPP Air Cargo ra đời nhằm mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam; Thúc đẩy tăng trưởng vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam tăng trưởng 10-15%/năm.
Dự kiến sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của IPP Air Cargo sẽ tăng dần trong các năm, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm dự kiến là 18%-20%).
“Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa kèm theo các báo cáo, tài liệu pháp lý cập nhật, bổ sung bản chính của cơ quan có thẩm quyền hoặc có công chứng trong vòng 6 tháng của Công ty IPP Air Cargo đảm bảo đáp ứng các điều kiện.
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT tiếp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty IPP Air Cargo theo quy định pháp luật”, Bộ GTVT báo cáo.
Theo Bộ GTVT, thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không hiện có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách. Đáng chú ý, chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.
Trong khi đó, tại Quyết định số 318/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì đến năm 2020 sẽ phát triển đội tàu bay chở hàng khoảng 8 - 10 chiếc, đến năm 2030 tàu bay chở hàng khoảng 15 - 20 chiếc.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 236/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, sẽ “hình thành và phát triển đội tàu bay chuyên vận chuyển hàng hóa”.
Do đó, Bộ GTVT nhấn mạnh việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa là phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo.
Dự án lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.
Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng; đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.
Năm đầu khai thác, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. Doanh nghiệp dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.
Đến nay, IPP Air Cargo đã ký với Boeing Biên bản ghi nhớ mua 10 tàu bay B777F để phục vụ kế hoạch lâu dài. DN này cũng đã ký Ý định thư (LOI) với BBAM về việc thuê 4 tàu bay B737- 800BCF, trong đó, 1 tàu bay đã hoàn tất việc chuyển đổi cấu hình (khoang chở hàng, sơn tàu bay theo logo đã đăng ký) để sẵn sàng khai thác theo phương án đã báo cáo sau khi được cấp Giấy phép.