Bà ĐÀM BÍCH THỦY
Tôi vẫn muốn mình có thể làm công việc có ích cho mọi người và giúp mình giữ được đầu óc và tinh thần. Hiện tôi chưa có quyết định vì còn một khoảng thời gian. Nhưng có lẽ tôi quá già để trở lại thương trường.
Bà Đàm Bích Thủy
Sau khi bà Đàm Bích Thủy tuyên bố sẽ từ nhiệm vị trí chủ tịch Trường đại học Fulbright Việt Nam, nhiều người quan tâm đến giáo dục rất bất ngờ bởi nhiều năm qua nhắc đến "Đàm Bích Thủy" là nghĩ đến "Fulbright Việt Nam" và nói tới "Fulbright Việt Nam" là nhớ về "Đàm Bích Thủy".
Dịp này, bà Đàm Bích Thủy đã dành cho phóng viên Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn riêng.
Đúng thời điểm
* Vì sao đã đến lúc cho một cuộc chia tay, thưa bà?
- Theo kế hoạch, tôi sẽ từ nhiệm chủ tịch Trường đại học Fulbright Việt Nam vào hè năm 2023. Thời điểm đó, khóa sinh viên đầu tiên của Fulbright Việt Nam sẽ tốt nghiệp và cộng đồng sinh viên chính thức đạt đến quy mô hơn 1.000 người. Sự chuẩn bị cho việc xây dựng cơ sở chính của trường tại TP Thủ Đức đã sẵn sàng, đặc biệt về tài chính.
8 năm vừa qua là chương đầu tiên của Fulbright Việt Nam, từ con số "0" đến khi có một nền móng, chưa thể nói là quá vững chắc, nhưng hình hài đã rõ ràng. Vì vậy, đây là lúc đẹp nhất để truyền lại ngọn đuốc cho một người tiếp cận, để họ đưa Fulbright sang một giai đoạn mới - giai đoạn có thể tăng quy mô của trường lên gấp đôi, gấp ba.
* Nhưng thiết nghĩ bà vẫn có thể - và đủ khả năng - viết tiếp chương mới này cho Fulbright Việt Nam?
- Mỗi một giai đoạn phát triển của một tổ chức cần có một người phù hợp để thực hiện. Sứ mệnh của tôi là góp phần xây dựng Fulbright từ những ý tưởng cho đến khi đạt được những nền móng đầu tiên. Trong 5-10 năm tới, sứ mệnh của những người lãnh đạo Fulbright tiếp theo sẽ rất khác, đó là lúc cho sự phát triển mới trên những nền tảng thời gian qua.
Tôi nghĩ một trường đại học nên nhìn như một tổ chức hơn là một vấn đề của cá nhân. Tất nhiên mỗi cá nhân đều có những đóng góp nhưng cuối cùng trường đại học là câu chuyện của một tổ chức mà nhiều người cùng góp sức, chung tay. Với tôi, thời gian 8 năm qua cũng đã đủ và dài.
Việc chuyển giao cũng nên diễn ra vào thời điểm mà mình để cho người kế nhiệm có thể thực hiện công việc tốt nhất. Tôi để thời gian dài từ khi công bố đến lúc chính thức từ nhiệm do việc tìm kiếm chủ tịch mất rất nhiều thời gian, công sức và có nhiều bên sẽ tham gia tuyển chọn ứng viên.
* Đâu là điều bà cảm thấy tâm đắc từ hành trình ở Fulbright Việt Nam khi ra đi?
- 8 năm qua, tôi thấy được sự phát triển về sự ủng hộ của xã hội với giáo dục khai phóng. Trước đây có nhiều hoài nghi, đến nay nhiều người đã chấp nhận. Sự ủng hộ này không chỉ trong gia đình mà còn thông qua sự hiến tặng về tài chính, công sức và thời gian của nhiều người cho Fulbright.
Nhưng liệu rằng sinh viên Fulbright có "sống sót" trong môi trường ở Việt Nam? Nhìn khóa sinh viên đầu tiên sẽ tốt nghiệp vào năm 2023, trong 3 năm vừa rồi, các bạn đều phải đi thực tập và hầu hết được đánh giá cao. Nhiều bạn đã được nhận thư mời làm việc sau khi tốt nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng khi đối mặt với những vấn đề hoàn toàn mới, sinh viên Fulbright thường tỏ ra xuất sắc hơn so với các bạn trường khác trong việc nhìn ra vấn đề và đưa ra những cách thức giải quyết. Một năng lực nữa là khả năng làm việc nhóm và quản lý một đội nhóm, khi trường bắt buộc các bạn phải ở nội trú toàn thời gian và phải sống cùng những sinh viên từ nhiều vùng miền vốn có những hoàn cảnh, tính cách khác biệt.
Các sinh viên tại Trường đại học Fulbright Việt Nam - Ảnh: FUV
"Người mới nên khác tôi"
* Có điều gì bà tiếc nuối vì chưa làm được trong những năm qua tại Fulbright?
- Nhiều chứ. Tôi đã rất kỳ vọng nếu không có COVID-19 thì đầu năm 2023 sinh viên Fulbright đã có thể học trong cơ sở mới tại TP Thủ Đức. Đó sẽ là một nơi rộng rãi hơn cho các em vừa học, vừa tổ chức nhiều sự kiện.
Tôi vẫn mong sẽ có nhiều hoạt động hơn cho sinh viên. Đặc biệt, tôi mong muốn chương trình sẽ có thêm nhiều môn học tuy nhiều người có thể thấy sẽ không hẳn có ích cho nghề nghiệp sau này của sinh viên nhưng sẽ giúp đời sống của các em "giàu có" hơn, chẳng hạn các học phần về âm nhạc và hội họa. Nhưng tôi chưa làm được thì người khác sẽ làm.
* "Người khác" ở đây có thể hiểu là vị chủ tịch mới. Người kế nhiệm này sẽ ra sao, thưa bà?
- Có một nguyên tắc là tôi sẽ không tham gia trực tiếp tuyển chọn người kế nhiệm bởi có thể sẽ tuyển những người giống mình. Tôi chỉ đưa ra những ý kiến và quyền quyết định sẽ thuộc về một ủy ban tìm kiếm.
Người này nên có những ý tưởng khác tôi để tổ chức có những làn gió mới, không thể cứ mãi giống với những gì bà Thủy đã làm. Tuy nhiên, tôi mong muốn những cái tốt đẹp cho Fulbright sẽ vẫn được duy trì.
* Tại sao bà thường dành rất nhiều thời gian cho các buổi nói chuyện về giáo dục với các bạn trẻ khắp cả nước, gần như hễ được mời là bà sẵn sàng tham gia?
- Theo tôi, giáo dục nên là một sự nghiệp chung hơn là một công việc chỉ gói gọn trong khuôn viên một trường đại học hay một cộng đồng Fulbright. Bởi Fulbright không thể trở thành một trường lớn được đến mức có thể nhận được mọi sinh viên của Việt Nam. Vả lại, mô hình của nó chưa chắc có thể phù hợp với mọi sinh viên.
Vì vậy, tôi trân trọng những cơ hội dù chỉ 1-2 giờ, 3-4 ngày được tiếp xúc với các bạn trẻ trong những hội thảo, trường hè, trường đông để mang tới những kiến thức, khái niệm mới về giáo dục cho các bạn.
Tôi cũng muốn truyền tải thông điệp về một tinh thần học tập suốt đời. Không phải học 4 năm đại học, học thạc sĩ hay tiến sĩ là "xong". Trong giáo dục không có khái niệm "xong". Nên duy trì thói quen tìm hiểu, đọc sách và óc tò mò. Bạn có thể tò mò với cả những thứ mình vẫn chưa cảm thấy hứng thú nhưng vẫn có thể đọc và hiểu chúng.
* Người ta đã quen với hình ảnh của một bà Đàm Bích Thủy trong ngân hàng và trong trường đại học, không biết hình ảnh ngoài đời thực của bà ra sao? Bà có áp dụng "giáo dục khai phóng" cho chính con cái nhà mình?
- Ở nhà, tôi đều áp dụng những nguyên tắc tại Fulbright cho con. Tôi khuyến khích con học và đọc rất nhiều. Con không chỉ đọc và quan tâm đến chuyên môn, mà còn nhiều thứ khác.
Có lần con hỏi ý kiến tôi khi phải chọn môn học ở trường phổ thông: nên chọn môn sở trường dễ lấy điểm A hay môn học khó để có thử thách? Tôi khuyến khích hướng thứ hai bởi chinh phục những môn quá dễ chỉ để lấy điểm cao không phải mục đích của việc học. Con tôi nghe theo và đã nỗ lực đạt kết quả tốt.
Từ câu chuyện thực tế của con, tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn những khi ngồi nói chuyện với phụ huynh. Không phải ở trường mình cổ xúy cho giáo dục khai phóng nhưng về nhà lại dạy con kiểu khác. Nhưng tất nhiên mỗi gia đình đều có một kinh nghiệm dạy con riêng, không thể có công thức chung cho tất cả.
Tinh thần lạc quan của người lãnh đạo
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nora Taylor - Trường đại học Fulbright Việt Nam - cho rằng những người có cơ hội làm việc với bà Đàm Bích Thủy đều sẽ nhận thấy được tinh thần lạc quan rất lớn ở bà.
Những năm đầu thành lập trường có đầy rẫy những khó khăn, đặc biệt có 2 năm gặp phải dịch COVID-19, nhưng bà Thủy luôn truyền được niềm tin lớn vượt qua thách thức cho đội ngũ của mình. Nhiệt huyết và tinh thần lúc nào cũng vui vẻ của bà giúp cho những đồng nghiệp luôn hướng đến những giá trị chung của ngôi trường.
Trong khi đó, Nhiên Đinh - tân sinh viên khóa 5 của Trường đại học Fulbright Việt Nam - chia sẻ hình ảnh của bà Thủy với những hoạt động liên tục vì giáo dục là một trong những ấn tượng lớn nhất của bạn, thu hút bạn vào trường. Nhiên cho biết mình học được ở bà sự quyết liệt đến cùng đạt đến những mục tiêu mà mình đã đề ra, bên cạnh sự nỗ lực cống hiến cho cộng đồng.