Ác mộng tồi tệ của nhân viên công nghệ: Nộp 500 CV chỉ 3 nơi gọi phỏng vấn, sau 1 tháng không tìm được việc mới sẽ phải xách vali về nước

Những người lao động nước ngoài bị sa thải tại Mỹ đang ở trong tình trạng đặc biệt tồi tệ khi phải gấp rút tìm công việc mới.

Khi bị Google sa thải vào tháng trước, Jingjing Tan bắt đầu lo lắng cho chú chó chăn cừu Đức nặng hơn 30 kg của mình.

Ác mộng tồi tệ của nhân viên công nghệ: Nộp 500 CV chỉ 3 nơi gọi phỏng vấn, sau 1 tháng không tìm được việc mới sẽ phải xách vali về nước - Ảnh 1.

Là người nước ngoài sống ở Mỹ bằng thị thực lao động tạm thời, nếu không tìm được việc làm trong vòng 60 ngày, Tan sợ rằng mình có thể phải trở về quê nhà Trung Quốc. Ở các thành phố lớn của nước này, phần lớn các công ty công nghệ đều không cho phép mang chó cưng có kích thước lớn đến văn phòng.

Ngoài ra, Tan còn lo về việc có thể phải bán hoặc cho thuê căn nhà mà cô đã mua ở khu vực Vịnh San Francisco vào năm ngoái. Chồng của Tan – người cũng ở Mỹ theo thị thực H1B và làm việc trong ngành công nghệ, vẫn đang đi làm nhưng hai người không tránh khỏi lo lắng về công việc của anh.

Làn sóng sa thải hàng loạt đã lan rộng trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ, với hơn 257.000 nhân sự bị cắt giảm từ năm ngoái. “Chúng tôi sống trong lo lắng mỗi ngày”, Tan chia sẻ với Wall Street Journal.

Ác mộng tồi tệ của nhân viên công nghệ: Nộp 500 CV chỉ 3 nơi gọi phỏng vấn, sau 1 tháng không tìm được việc mới sẽ phải xách vali về nước - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Leena Sujan, người điều hành một công ty tuyển dụng tập trung vào công nghệ, cho biết với sự suy giảm của ngành công nghệ, những người lao động nước ngoài bị sa thải đang ở trong tình trạng đặc biệt tồi tệ khi phải gấp rút tìm công việc mới. Nhiều công ty công nghệ mà cô ấy làm việc cùng nói rằng họ không muốn tiếp tục tuyển dụng dù ứng viên có thị thực H1B hay không.

Số lượng việc làm công nghệ ở Mỹ đã giảm 32.000 vào tháng trước, theo tập đoàn thương mại ngành công nghệ thông tin CompTIA. CompTIA cho biết có 269.000 tin tuyển dụng công nghệ trong tháng 1, giảm từ mức cao kỷ lục 394.000 tin tuyển dụng vào tháng 3 năm ngoái.

Một số chuyên gia trong ngành ước tính hàng chục nghìn người sinh sống và làm việc tại Mỹ theo thị thực tạm thời đã bị ảnh hưởng. Người lao động sinh ra ở nước ngoài, bao gồm cả người có thẻ xanh, công dân nhập tịch và những người có thị thực làm việc tạm thời, chiếm gần 1/4 tổng số lao động trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật, theo ước tính năm 2019 của Hội đồng Di trú Mỹ, tăng từ 16% vào năm 2000.

Ác mộng tồi tệ của nhân viên công nghệ: Nộp 500 CV chỉ 3 nơi gọi phỏng vấn, sau 1 tháng không tìm được việc mới sẽ phải xách vali về nước - Ảnh 3.

Nếu người lao động với thị thực H1B không thể tìm được việc làm mới trong vòng vài tuần hoặc nộp đơn xin chuyển sang loại thị thực khác, họ sẽ phải rời Mỹ. Trong một số trường hợp khác, những người bị sa thải khi đang du lịch hoặc công tác ở bên ngoài nước Mỹ hiện ở trong tình trạng mắc kẹt ở nước ngoài vì thị thực làm việc của họ không còn hiệu lực để tái nhập cảnh.

Nhóm này bao gồm những người đã ở Mỹ trong nhiều thập kỷ cho đến những sinh viên mới tốt nghiệp như Sushant Arora - người đã nhận bằng thạc sĩ về quản lý dự án tại Mỹ năm 2021. Sau đó, anh được nhận vào một công ty phân tích dữ liệu ở Boston nhưng tháng trước đã bị sa thải.

Chàng trai Ấn Độ cho biết thời hạn 60 ngày để tìm một công việc mới là quá ngắn vì ngoài tìm công ty phù hợp, ứng viên còn phải trải qua nhiều vòng khác nhau như kiểm tra kỹ năng và các vòng phỏng vấn.

Kể từ khi bị sa thải, anh ước tính đã nộp 500 – 600 đơn xin việc nhưng chỉ có 3 nơi gọi đi phỏng vấn. “Nó giống như một cơn ác mộng. Với thị trường việc làm hiện tại, tôi sẽ làm bất cứ công việc nào vì tôi không thể kén chọn được”, Aora chia sẻ.

Trong khi đó, Neuman Vong - người đã làm việc cho Twitter cho đến tháng 12/2022 theo thị thực lao động tạm thời dành cho công dân Úc, đang đi nghỉ ở Malaysia thì biết tin bị cho thôi việc.

Để tránh phức tạp, anh đã ở lại quê hương Australia. Người hàng xóm của anh ở Los Angeles phải thỉnh thoảng lái xe ô tô của anh để nó không bị chết ắc quy. Một người bạn của anh đôi lúc ghé qua căn hộ của anh để tưới cây.

Ác mộng tồi tệ của nhân viên công nghệ: Nộp 500 CV chỉ 3 nơi gọi phỏng vấn, sau 1 tháng không tìm được việc mới sẽ phải xách vali về nước - Ảnh 4.

Neuman Vong.

Là người lao động có thị thực tạm thời, Vong nói rằng anh luôn cảm thấy áp lực phải làm việc chăm chỉ và chứng tỏ giá trị của mình. “Tôi đã nỗ lực rất nhiều để được ở lại Mỹ trong suốt thập kỷ qua. California là nhà của tôi, tất cả bạn bè của tôi đều ở đó”, Vong cho biết.

Hiba Mona Anver - một đối tác tại công ty luật Erickson Immigration Group, cho biết, thời gian gia hạn 60 ngày mà người lao động nước ngoài phải tìm được công việc mới không áp dụng cho những người bị sa thải khi ở nước ngoài. Theo Anver, nếu một người lao động có thị thực lao động tạm thời bị chấm dứt hợp đồng khi đang ở nước ngoài, thị thực đó không còn giá trị để tái nhập cảnh trừ khi người này tìm được một công việc khác ở Mỹ khi ở quốc gia đó.

Sophie Alcorn, người sáng lập một công ty luật có trụ sở tại Thung lũng Silicon, cho biết một số công ty đã kéo dài ngày chấm dứt hợp đồng của nhân viên nước ngoài để cố gắng tạo cho họ nhiều cơ hội hơn để tìm việc mới. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các công ty có rất ít nghĩa vụ đối với những người lao động như vậy. Alcorn nói rằng trong trường hợp của H1B - thị thực lao động tạm thời phổ biến nhất dành cho công nhân công nghệ hiện nay, yêu cầu pháp lý duy nhất mà các công ty phải thực hiện là thông báo cho chính quyền liên bang về việc chấm dứt hợp đồng lao động của nhân viên và trả tiền vé máy bay về nhà cho họ.

Alcorn nói: “Các công ty không được phép xem xét quê quán của nhân viên khi xác định ai sẽ bị cho thôi việc. Đó là việc tùy ý. Ai cũng có thể bị sa thải”.

Nguồn: WSJ