Edinburgh, Scotland, Vương quốc Anh: Lễ đón năm mới tại đây được gọi là lễ hội Hogmanay huyền thoại của Edinburgh, với các điệu nhảy, uống rượu, bắn pháo hoa kéo dài cả 3 ngày. Sự kiện mở đầu bằng Lễ rước đuốc vào ngày 30/12, nơi 20.000 người cầm đuốc diễu hành qua trung tâm thành phố Edinburgh. Ngày 31/12, thành phố trở nên sôi động hơn với một bữa tiệc khổng lồ, nơi các nghệ sĩ đường phố, DJ, ban nhạc và các ngôi sao ca nhạc lớn tham gia trình diễn. Màn bắn pháo hoa hoành tráng trên lâu đài Edinburgh là khởi đầu của một năm mới. Ảnh: Inspiring Travel Scotland. |
Madrid, Tây Ban Nha: Giống như bất kỳ thủ đô náo nhiệt khác tại châu Âu, Madrid tự hào có màn trình diễn pháo hoa và tiệc tùng hoành tráng nhất trong dịp lễ này. Tập trung ở Quảng trường Puerta del Sol, bữa tiệc đếm ngược được phát sóng tới người dân Tây Ban Nha khắp đất nước trên tất cả các kênh truyền quốc gia. Nếu bạn muốn có trải nghiệm năm mới trọn vẹn của Tây Ban Nha, hãy tham gia phong tục địa phương độc đáo: nhét 12 quả nho vào miệng vào lúc nửa đêm, từng quả một, khi tiếng chuông Puerta del Sol vang lên. Ảnh: Spotahome. |
Chiang Mai, Thái Lan: Cứ đến tháng 12, thành phố Chiang Mai lại trở thành một thành phố văn hóa tráng lệ nhất, cùng nhiệt độ ban ngày lên đến 29 độ C. Tại đây có một truyền thống đêm Giao thừa với khung cảnh hàng nghìn chiếc đèn lồng giấy được thắp sáng và thả lên bầu trời đêm vào ngày 31/12. Việc thả đèn lồng tượng trưng cho những khởi đầu mới và được cho là mang lại may mắn. Ảnh: Travelingstyle. |
Reykjavik, Iceland: Reykjavik không có màn bắn pháo hoa chính thức, nhưng điều đó không ngăn được thủ đô của Iceland có một trong những màn bắn pháo hoa rực rỡ nhất thế giới vào mỗi đêm Giao thừa. Hầu như mọi cư dân của thành phố đều mua pháo hoa từ ICE-SAR (Bộ phận tìm kiếm và cứu hộ Iceland) và bắn pháo vào lúc nửa đêm. Ảnh: Nordic Visitor. |
London, Vương quốc Anh: Không có nhiều truyền thống kỳ quặc vào đêm Giao thừa ở London, đơn giản chỉ là một sự kiện lành mạnh và sở hữu những khung cảnh ngoạn mục để chiêm ngưỡng. Mọi người tập trung xếp hàng dọc bờ sông Thames với tầm nhìn ra đường chân trời, trước khi đếm ngược tại Big Ben và bắn pháo hoa quanh London Eye. Ảnh: Time Out. |
Sydney, Australia: Sydney có một lợi thế lớn so với các lễ đón năm mới lớn khác trên thế giới. Nhờ múi giờ hướng đông, đây là một trong những bữa tiệc chào đón năm mới đầu tiên. Cả triệu người tham dự tập trung trên thuyền hoặc trên bờ biển, sẵn sàng chiêm ngưỡng màn trình diễn ánh sáng trên Cầu Cảng và Nhà hát Lớn. Thời điểm lễ hội diễn ra vào cao điểm mùa hè ở Australia, do đó, thời tiết đỡ lạnh hơn so với hầu hết bữa tiệc năm mới ở bắc bán cầu. Ảnh: Time Out. |
Mexico: Lễ đón năm mới truyền thống và đặc biệt của Mexico: diện đồ lót sặc sỡ. Màu sắc phụ thuộc vào những gì bạn muốn cho năm tới, với màu đỏ có nghĩa là tình yêu, màu vàng có nghĩa là tiền bạc hoặc may mắn, màu trắng có nghĩa là hòa bình. Ảnh: Chimu Adventures. |
New York, Mỹ: Các sự kiện đón năm mới từ nhỏ đến lớn tại New York đều hiện diện trên khắp các ngóc ngách của thành phố. Du khách có thể tận hưởng màn thả bóng cổ điển ở Quảng trường Thời đại, màn bắn pháo hoa ở Công viên Trung tâm, Cảng biển South Street và Công viên Prospect. Ảnh: Visit The USA. |
Tokyo, Nhật Bản: Khi chào đón năm mới, Nhật Bản có phong tục truyền thống đặc biệt, từ việc thưởng thức một bữa ăn toshikoshi soba (một loại mì đặc biệt của đêm Giao thừa) đến lắng nghe tiếng chuông chùa vang lên 108 lần cho đến nửa đêm. Ảnh: franckreporter. |
Copenhaghen, Đan Mạch: Đan Mạch là nơi có truyền thống đón năm mới bằng truyền thống đập vỡ đĩa và đồ sành sứ trước cửa nhà hàng xóm. Bạn càng làm vỡ nhiều bát đĩa, bạn sẽ càng gặp nhiều may mắn trong năm tới. Ảnh: Visit Denmark. |
Naples, Italy: Thành phố lớn thứ 3 của Italy có truyền thống ném đồ gia dụng ra ngoài cửa sổ vào dịp đón năm mới như nồi, chảo và gối. Bạn cũng không nên bỏ lỡ màn trình diễn pháo hoa ngoạn mục trên toàn thành phố, với tầm nhìn đẹp nhất từ trên những ngọn đồi cao. Ảnh: newyearseveblog. |
Quito, Ecuador: Cũng tham gia vào trào lưu "tiêu hủy đồ đạc để chào đón năm mới", thành phố Quito tổ chức đốt những con búp bê giống bù nhìn chứa đầy giấy vào lúc nửa đêm. Với mục đích xua đuổi ma quỷ và những điều xui xẻo trong năm qua, những đám cháy - kết hợp với nhiều màn bắn pháo hoa - biến thủ đô Quito thành một trong những nơi thú vị nhất để đón năm mới. Ảnh: Big 7 Travel. |
Rio de Janeiro, Brazil: Bữa tiệc đón năm mới trên bãi biển Copacabana hàng năm là truyền thống huyền thoại của Rio với những tập tục địa phương đặc sắc. Bạn cần mặc trang phục toàn màu trắng, nhảy qua 7 con sóng vào lúc nửa đêm, đi chân trần trên bãi biển đầy cát, bơi lội trong làn nước ấm khi pháo hoa bắn trên đầu. Ảnh: traveltomorrow. |
Boise, Mỹ: Là "thủ phủ khoai tây" của Mỹ (và của thế giới), Idaho là quê hương của truyền thống đêm Giao thừa độc đáo với phong tục "thả khoai tây Idaho". Khi đồng hồ điểm nửa đêm và pháo hoa thắp sáng bầu trời, một củ khoai tây lớn "rơi xuống" thủ phủ Boise của bang Idaho. Với nhạc sống, vận động viên trượt tuyết trình diễn và những quầy thức ăn ngon, đây là điều mà bạn chắc chắn sẽ không thể thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Ảnh: Idaho Statesman. |
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch