Tại New Zealand, các nhà khoa học của chương trình Nghiên cứu thực vật và thực phẩm do chính phủ tài trợ đang đặt mục tiêu "nuôi" mô trái cây từ các tế bào thực vật, với hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ có mùi vị giống trái cây thật.
Bắt đầu từ 18 tháng trước, chương trình Nghiên cứu thực vật và thực phẩm tập trung vào các tế bào của việt quất, táo, anh đào, đào, nho… Các nhà nghiên cứu dự định tạo ra những mô trái cây không bao gồm các phần thường bị bỏ đi như lõi táo hay vỏ cam, qua đó giảm lãng phí thực phẩm.
Các tế bào việt quất được nuôi cấy ở New Zealand. Ảnh: PLANT & FOOD RESEARCH
Về lâu dài, đây là cách New Zealand muốn bảo đảm an ninh thực phẩm cho nước mình. Nhà khoa học chính của chương trình, TS Ben Schon, nói với tờ The Guardian: "Chúng tôi giỏi trồng trọt theo lối truyền thống nhưng thế giới đang thay đổi rất nhiều, từ tăng trưởng dân số, đô thị hóa đến biến đổi khí hậu".
Đầu năm nay, bão Gabrielle đã tàn phá vịnh Hawkes, khu vực trồng trái cây nổi tiếng của New Zealand, vào đúng lúc sắp thu hoạch trái kiwi.
Thực phẩm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể đóng vai trò nòng cốt đối với ngành nông nghiệp bền vững, song hiện mới ở giai đoạn khởi phát - theo TS Ali Rashidinejad, nhà khoa học thực phẩm cấp cao của Trường ĐH Massey tại Auckland. Do đó, còn cần nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, phát triển và thử nghiệm tốn kém nữa để loại thực phẩm này tạo được chỗ đứng.
TS Rashidinejad cho biết thêm về phía người tiêu dùng, thế hệ già hơn có thể ngần ngại nhưng các thế hệ trẻ sẵn lòng thử thức ăn mới nếu chúng bảo đảm sức khỏe và hạn chế tác động đến môi trường.
Công nghệ trên cũng có thể phù hợp với định hướng nuôi mô trái cây trong đô thị, từ đó giảm bớt chi phí lẫn lượng carbon phát thải trong hoạt động vận chuyển thực phẩm đến các trung tâm thành phố.