Trong suốt thập kỷ qua, chính phủ nước này đã trao thêm nhiều quyền lợi cho các cặp vợ chồng mới sinh, chẳng hạn như sản phụ nghỉ phép hiện được nhận 50%-67% lương, so với mức 25% của năm 2000, theo báo Nikkei Asia.
Những chính sách thai sản mới cũng giúp nâng cao tỉ lệ nghỉ phép ở các ông bố, tăng từ 1,4% trong năm 2010 lên 12,7% trong năm 2020. Ở nhóm nam giới đã kết hôn và có con nhỏ dưới 6 tuổi, thời lượng giúp vợ làm việc nhà hằng ngày cũng tăng từ chưa đầy 1 giờ trong năm 2001 lên gần 2 giờ trong năm 2021.
Một ông bố chăm sóc con nhỏ ở Nhật Bản. Ảnh: NIKKEI ASIA
Khi được chồng san sẻ việc nhà, phụ nữ Nhật Bản có thêm thời gian làm việc kiếm tiền và điều này khiến kịch bản sinh con trở nên hấp dẫn hơn đối với họ. Nỗ lực khuyến khích nam giới tạo điều kiện để vợ quay lại công sở sau khi sinh đã góp phần gia tăng tỉ lệ sinh từ mức thấp kỷ lục 1,26 trong năm 2005 lên mức 1,4 trong những năm 2010.
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng mang đến những cảnh báo cho phần còn lại của thế giới. Ba năm trở lại đây đã đảo ngược những thành công mà quốc gia này đạt được trong những năm 2010, chủ yếu do đại dịch COVID-19, lạm phát gia tăng và căng thẳng địa chính trị đến từ xung đột Nga - Ukraine. Đây vốn là những vấn đề không của riêng Nhật Bản.
Theo chuyên gia Hilary Holbrow của Trường ĐH Indiana Bloomington (Mỹ), điều này cho thấy chỉ gia tăng phúc lợi dành cho các cặp vợ chồng là chưa đủ. Nếu chính phủ các nước không đầu tư vào y tế công, củng cố năng lực ứng phó đại dịch tiềm tàng, bảo vệ công dân khỏi biến động kinh tế và thiết lập quan hệ hòa bình với các nước láng giềng, tỉ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm.