Khách du lịch Ấn Độ quan tâm đến Việt Nam

Thị trường khách du lịch Ấn Độ mới mẻ, nhiều tiềm năng. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả và lâu dài phải cần thêm thời gian.

Nhiều địa phương đã triển khai chương trình xúc tiến du lịch thị trường Ấn Độ như Đà Nẵng, Khánh Hòa. Một số đường bay cũng được triển khai như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đi 3 thành phố thủ phủ của vùng tây, trung và nam Ấn Độ, gồm Ahmedabad, Hyderabad và Bangalore (Bengaluru).

Ấn Độ là thị trường có tiềm năng du lịch rất lớn với dân số hơn 1,3 tỷ dân. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc công bố ngày 11/7, Ấn Độ sẽ “soán ngôi” Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023, với con số hơn 1,4 tỷ dân.

Thị trường tiềm năng

Theo đại diện Bộ Du lịch Ấn Độ, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen du lịch của người dân nước này.

“Thống kê cho thấy sau dịch, người Ấn Độ đã thay đổi thói quen khi nhu cầu đi ra các nước để nghỉ dưỡng rất lớn. Đây là điểm nhấn để chúng tôi kết hợp với các công ty lữ hành trong nước cũng như ngành du lịch Việt Nam xúc tiến các chương trình tour, tuyến để khai thác trong bối cảnh du lịch Ấn Độ đang hồi phục mạnh mẽ”, vị này cho biết.

du khach An Do anh 1

Ngày 18/8, 32 doanh nghiệp lữ hành Ấn Độ đến Nha Trang - Khánh Hòa khảo sát thị trường du lịch. Ảnh: Xuân Hoát.

Chung quan điểm, các hãng lữ hành ở Ấn Độ cũng khẳng định ngành du lịch Ấn Độ, Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng đã và đang phục hồi mạnh sau dịch. Đây là điều kiện không thể bỏ qua để kết nối thị trường tỷ dân với đất nước giàu truyền thống văn hóa như Việt Nam.

Ông Rajeev Kale, đại diện hãng lữ hành Thomas Cook (Ấn Độ) khẳng định Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn tại Ấn Độ. Điều này không chỉ dừng lại ở nhóm khách hàng là các doanh nghiệp mà cả đối tượng là nhóm gia đình, giới trẻ và các cặp vợ chồng.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành 3 năm qua, khách du lịch Ấn Độ sẵn sàng chuyển sang những điểm đến chặng ngắn, thuận tiện và giá cả phải chăng hơn là chọn tour dài ngày, điểm đến truyền thống như trước kia”, ông Rajeev Kale nói.

Còn ông Daniel D'Souza, đại diện SOTC Travel, cũng cho biết việc khôi phục kết nối hàng không đã thúc đẩy nhu cầu du lịch tại Ấn Độ. Tuy nhiên ông cho rằng hiện rào cản về visa du lịch châu Âu khiến người Ấn Độ chuyển hướng.

“Khách Ấn Độ đã thay đổi thói quen đi du lịch rõ rệt. Thống kê cho thấy nhu cầu đi du lịch các điểm đến gần và dễ xin thị thực của khách Ấn đã tăng 30-35% mỗi tháng. Đó là tín hiệu để những doanh nghiệp du lịch lữ hành ở Ấn Độ thay đổi chính sách quảng bá, tìm kiếm thị trường theo xu hướng gần, ngắn ngày và giá cả hợp lý", ông Daniel D'Souza.

Trong khi đó, dù đánh giá Ấn Độ là thị trường có tiềm năng và là điểm sáng trong bối cảnh khách du lịch quốc tế chưa thật sự phục hồi, đặc biệt là các thị trường truyền thống bị thu hẹp, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cho rằng vẫn cần thời gian trước khi khai thác hiệu quả.

Tiềm năng nhưng không “dễ xơi”

Ông Phan Đình Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International, nhận định Ấn Độ là thị trường tiềm năng với quy mô dân số lớn. Một số thành phố lớn của Ấn Độ như Mumbai, Delhi, Kolkata… có mức thu nhập tốt và là thị trường phù hợp để chúng ta khai thác. Tuy vậy, thị trường Ấn Độ không phải “dễ xơi” như nhiều người nhầm tưởng.

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International, một số đặc điểm của thị trường này nếu không thích nghi được sẽ dễ khiến doanh nghiệp Việt “nản lòng”.

“Khách Ấn Độ thường trả giá. Dù có là bạn hàng lâu năm, họ vẫn đi ‘dạo giá’ nhiều nơi và so sánh rất tỉ mỉ trước khi đưa ra quyết định”, ông Thảo nói và đánh giá độ “trung thành” của họ không cao.

du khach An Do anh 2

Đại diện một công ty lữ hành Ấn Độ tìm hiểu giá tour của doanh nghiệp ở Nha Trang. Ảnh: Xuân Hoát.

Cũng theo ông Thảo, một điểm đáng chú ý nữa là nhiều khách Ấn Độ hay trễ giờ. “Mình chào tour khách Ấn Độ lâu năm nên nắm khá rõ. Khách Ấn thường rất hay 'tự do' về thời gian và nhiều khi làm ảnh hưởng đến các dịch vụ liên quan, do đó cần dự trù thời gian nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho chuyến đi", ông Thảo nói và đánh giá thêm rằng khách Ấn rất "nhạy cảm" về giá cả.

Ngoài ra, Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International cũng lưu ý văn hóa về thói quen ăn uống đặc trưng cũng là điểm mấu chốt để ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm khi đón khách của thị trường tỷ dân.

“Khách Ấn Độ thường yêu cầu có nhà hàng Ấn Độ trong chương trình. Tuy nhiên không phải địa phương nào ở Việt Nam cũng đáp ứng được điều này. Để hình thành được văn hóa ẩm thực này, nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam cần thời gian”, ông Thảo nói thêm.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp cũng cho rằng rút kinh nghiệm đón khách Nga, Trung Quốc những năm 2016-2017, ngành du lịch Việt Nam cần chuẩn bị ngay đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa.

“Những năm 2016, 2017 chúng ta chứng kiến việc ‘khủng hoảng’ hướng dẫn viên biết tiếng Nga, Hoa. Điều này dẫn đến hàng nghìn hướng dẫn viên người nước ngoài hoạt động chui, dẫn đến ngành này bị méo mó. Hiện đội ngũ hướng dẫn viên có kinh nghiệm phục vụ khách Ấn không nhiều. Họ cần hiểu văn hoá của người Ấn Độ, thói quen sinh hoạt cũng như món ăn. Điều này không thể khắc phục một sớm, một chiều được”, giám đốc một công ty lữ hành nhận định.

Theo bà Nguyễn Ngọc Linh, quản lý kinh doanh khách sạn Erica Nha Trang, để chuẩn bị đón khách thị trường Ấn Độ, đơn vị phải lên kế hoạch về nhân sự cũng như menu thức ăn.

“Chúng tôi chưa có kinh nghiệm đón khách Ấn Độ nên phải chuẩn bị nhiều thứ, đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Sắp tới khách sạn sẽ lên menu món Ấn cũng như bố trí lại đội ngũ nhân lực để kịp thích nghi. Khách Ấn Độ, Malaysia hay khách theo đạo Hồi có văn hóa ẩm thực khác biệt nên đòi hỏi mình cũng phải thay đổi để thích nghi”, bà Linh cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, không riêng gì Nha Trang - Khánh Hòa đẩy mạnh xúc tiến thị trường khách du lịch Ấn Độ mà nhiều địa phương cũng đã tiến hành, trong đó có Đà Nẵng.

“Lợi thế hiện nay là chúng ta đã có đường bay thẳng từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đi 3 thành phố ở Ấn Độ. Chúng tôi cũng đang xúc tiến mở đường bay Cam Ranh đi Ấn Độ để khai thác thị trường mới mẻ này”, bà Thanh nói.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cũng thừa nhận để khai thác tốt thị trường tỷ dân này phải cần thời gian, sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và mong muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những chính sách, cũng như hướng dẫn kịp thời.