Chuyến bay này dự kiến khởi hành từ thủ đô London - Anh đến TP New York - Mỹ ngày 28-11. Để hoàn tất thủ tục, Virgin Atlantic phải xin phép thêm các cơ quan quản lý ở Mỹ, Ireland và Canada.
Theo Reuters, diễn biến trên mở đường cho nỗ lực khử carbon của ngành hàng không thế giới bất chấp những thách thức về chi phí. SAF hiện chỉ được sản xuất với số lượng nhỏ và giá thành cao gấp 3-5 lần nhiên liệu cho máy bay phản lực thông thường.
"Chúng tôi cam kết sử dụng 10% SAF vào năm 2030 nhưng để đạt được điều đó chúng tôi cần chính phủ hỗ trợ việc thành lập ngành công nghiệp SAF ở Anh" - Giám đốc điều hành Shai Weiss của Virgin Atlantic nói.
Một máy bay của hãng hàng không Virgin Atlantic (Anh) Ảnh: VIRGIN.COM
Theo các nhà khoa học, ngành hàng không tạo ra lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí thải khác ở mức cao, góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Các hãng hàng không đang đặt hy vọng vào SAF, loại nhiên liệu làm từ chất thải như dầu ăn đã qua sử dụng để cắt giảm 70% lượng khí thải so với nhiên liệu hóa thạch, trước khi tiến tới việc bay bằng điện và hydro trong những thập kỷ tới.
SAF hiện đã được sử dụng để cung cấp năng lượng cho động cơ phản lực trong các chuyến bay khác nhưng thường chỉ là một phần trong hỗn hợp với dầu hỏa truyền thống. Thống kê năm 2021 cho thấy SAF chỉ chiếm 0,5% nhiên liệu mà ngành hàng không sử dụng.
Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không đặt mục tiêu nâng tỉ lệ này lên 10% vào năm 2030 như Virgin Atlantic. Mục tiêu xa hơn của ngành hàng không là đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó SAF sẽ chiếm 65% nhiên liệu sử dụng.