Ấn Độ làm nên lịch sử với tàu Chandrayaan-3

(NLĐO) - Ấn Độ đã làm nên lịch sử sau khi tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của nước này hạ cánh xuống cực Nam mặt trăng.

Đài NDTV cho biết Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã kỷ niệm sự kiện lịch sử này bằng một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) lúc 18 giờ 04 phút chiều 23-8 (giờ địa phương) - thời điểm chính xác khi tàu đổ bộ Chandrayaan-3 chạm xuống cực Nam của mặt trăng.

Trong bài đăng, ISRO chúc mừng người dân cả nước vì sự thành công của sứ mệnh trên. Ấn Độ hiện trở thành quốc gia đầu tiên có tàu vũ trụ hạ cánh xuống cực Nam của mặt trăng, điểm đến mới hấp dẫn kể từ khi tìm thấy dấu vết của nước trên mặt trăng.

Ấn Độ làm nên lịch sử với tàu Chandrayaan-3 - Ảnh 1.

Ấn Độ làm nên lịch sử với tàu Chandrayaan-3. Ảnh: ISRO

"Sứ mệnh Chandrayaan-3: Ấn Độ, tôi đã đến đích và bạn cũng vậy! Chandrayaan-3 đã hạ cánh mềm thành công trên mặt trăng! Xin chúc mừng, Ấn Độ" - ISRO hồ hởi thông báo.

Chương trình phát sóng trực tiếp về khoảnh khắc lịch sử bắt đầu lúc 17 giờ 20 phút chiều 23-8. Tàu đổ bộ Chandrayaan-3 đã hoàn thành 4 giai đoạn trước khi hạ cánh xuống bề mặt mặt trăng. Sau mỗi giai đoạn thành công, các quan chức ISRO tại phòng điều khiển sứ mệnh đều bày tỏ sự vui mừng.

Tàu vũ trụ mang đĩa nhạc gửi người ngoài hành tinh phát tín hiệu về Trái Đất

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dù đang ở Nam Phi dự hội nghị thượng đỉnh BRICS cũng gửi lời chúc mừng toàn bộ nhóm ISRO qua cuộc gọi video. Ông nói: “Chúng ta đang chứng kiến chặng đường mới của một đất nước Ấn Độ mới. Lịch sử mới đã được viết nên”.

Giám đốc dự án P Veeramuthuvel tuyên bố tàu đổ bộ Chandrayaan-3 đã "hoàn thành tất cả giai đoạn một cách hoàn hảo". Con tàu được phóng vào ngày 14-7 bằng tên lửa Launch Vehicle Mark-III (LVM-3) và mất 41 ngày để đến đích.