Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện trào lưu cài điện thoại bên ngoài tấm che cửa sổ máy bay để quay lại quá trình máy bay cất cánh hay đoạn clip một cô gái tự do đi lại, tạo dáng trên đường băng sân bay với chiếc máy bay đang di chuyển phía sau.
Các hành động tưởng chừng như vô hại này lại có nguy cơ uy hiếp an toàn bay và xảy ra ngày càng phổ biến. Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, ở sân bay Tân Sơn Nhất đã có 17 vụ vi phạm an toàn bay từ các hoạt động như chiếu đèn laser, bay flycam, thả diều,...
Cài điện thoại ở cửa sổ để quay clip
Trào lưu cài điện thoại lên cửa sổ máy bay rộ lên trong thời gian gần đây. Để có những thước phim ghi lại cảnh cất cánh, không ít hành khách đã đặt điện thoại ở cửa sổ, bấm nút quay nhanh, hạ tấm chắn xuống để giữ máy cố định.
Điện thoại thông minh không nằm trong danh mục đồ vật cấm hoặc nguy hiểm theo phụ lục của Thông tư về an ninh hàng không. Hành khách chỉ cần tắt máy hoặc chuyển sang chế độ máy bay trong suốt chuyến bay.
Chiếc điện thoại bị "bỏ quên" trên cửa sổ máy bay. Ảnh: Diễn đàn Hàng không. |
Tuy nhiên, việc quay clip như trên theo các chuyên gia là rất nguy hiểm bởi khi ghi hình trong thời gian dài, điện thoại có thể nóng lên, kết hợp với tác động của ánh sáng mặt trời sẽ có nguy cơ gây cháy nổ.
Bên cạnh đó khi máy bay cất cánh, tấm che cửa sổ cũng luôn được yêu cầu kéo lên để đảm bảo an toàn cho hành khách và chuyến bay.
Nhảy nhót, tạo dáng trên đường băng khi máy bay đang di chuyển
Trong một trao đổi với Zing, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết việc một nữ hành khách quay clip nhảy nhót, tạo dáng trên đường băng khi máy bay đang di chuyển xảy ra tại sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) cách đây khoảng một tháng.
Đường băng sân bay (bao gồm đường cất hạ cánh, đường lăn song song, thoát nhanh...) là một trong những khu vực đòi hỏi an toàn cao nhất tại sân bay. Việc tự ý đi lại trên đường băng có nguy cơ gây ra tai nạn hàng không. Nếu có người hoặc vật thể lạ gần đó có thể bị hút vào động cơ máy bay và dẫn đến tử vong.
Nữ hành khách hồn nhiên quay clip nhảy nhót, tạo dáng ở ngay trên đường băng. Ảnh: Huy.dl |
Tuy nhiên, nữ hành khách trên lại hồn nhiên tạo dáng, quay clip ngay trên đường băng. Đại diện Cục Hàng không thông tin vị khách này di chuyển từ nhà ga ra máy bay bằng xe buýt trung chuyển hành khách tại khu bay. Khi cửa xe vừa mở, cô liền chạy ra ngoài.
Nhân viên an ninh hàng không của sân bay Phú Quốc trực ở đó đã nhanh chóng tiếp cận và yêu cầu hành khách quay trở lại vị trí an toàn.
Nếu việc cài điện thoại lên cửa sổ máy bay chưa được quy định rõ ràng tại Quy định an toàn khu bay của Cục Hàng không thì hành vi của nữ hành khách này đã được nêu rõ tại mục 25, điều 3, chương II Quy định an toàn khu bay của Cục Hàng không: Nghiêm cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ tiếp cận tàu bay, trang thiết bị, phương tiện mặt đất và di chuyển trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay.
Chiếu đèn laser vào buồng lái
Tương tự như hai hành vi trên, việc chiếu đèn laser vào thẳng buồng lái cũng là một trong những hành động uy hiếp an toàn bay.
Khi máy bay đang cất, hạ cánh mà có đèn laser chiếu vào sẽ làm ảnh hưởng đến thao tác của phi công, gây mù tạm thời và uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay. Việc này có thể gây hậu quả đối với sức khỏe, tính mạng của phi công và hành khách trên các chuyến bay.
Đèn laser có thể làm ảnh hưởng đến thao tác bay của phi công và uy hiếp an toàn bay. Ảnh: CBC. |
Theo Nghị định 162 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hành vi sử dụng đèn laser ảnh hưởng đến việc máy bay cất cánh, hạ cánh, di chuyển tại sân bay bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.
Ngoài chiếu đèn laser, đèn pha khu vực sân golf quá chói chiếu sang sân bay hay hoạt động thả diều của người dân cũng gây nguy hiểm với các chuyến bay nếu diều va chạm với máy bay ở tốc độ cao, diều bị hút vào động cơ gây ra hỏng hóc, thậm chí là tai nạn máy bay.
Tại TP.HCM, khu vực quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức đến TP Dĩ An (Bình Dương) là những khu vực ghi nhận vi phạm an toàn bay nhiều nhất.